Friday, November 25, 2016

Di dân và lễ Tạ Ơn Tại Hoa Kỳ - Giao Chỉ, San Jose

]
Kỳ thị là bệnh kinh điển của con người. Kỳ thị sắc tộc, màu da, tôn giáo. Kỳ thị nguồn gốc, nam nữ, Nam Bắc, nghề nghiệp... Đủ thứ kỳ thị. Nhưng kỳ thị tới mức chủ trương nô lệ. Buôn bán nông nô. Chia cắt gia đình. Đối xử với người da đen như con vật thì thực là vô cùng dã man. Hoa Kỳ soạn thảo bộ hiến pháp được coi là cuốn Kinh tự do dân chủ vĩ đại nhất của nhân loại.
   

Lời nói đầu 2016.
​Khi mới qua Mỹ, tôi có thời gian đi làm phụ giáo cho trường trung học có nhiều học sinh di dân. Vừa học bàivừa làm thầy giáo. Kiến thức viết bài này là nhờ đọc lạisử Hoa Kỳ trong thời gian đó. Ghi nhận rằng tình nghĩa giữa da trắng và da đỏ chỉ đẹp trong mùa lễ tạ ơn đầu tiên cách đây hơn 200 năm. Sau đó thì da trắng tệ bạc lắm. Tập trung da đen làm nô lệ và xua đuổi da đỏ vào vùng đất hoang vu.
Kỳ thị là bệnh kinh điển của con người. Kỳ thị sắc tộc, màu da, tôn giáo. Kỳ thị nguồn gốc, nam nữ, Nam Bắc, nghề nghiệp... Đủ thứ kỳ thị. Nhưng kỳ thị tới mức chủ trương nô lệ. Buôn bán nông nô. Chia cắt gia đình. Đối xử với người da đen như con vật thì thực là vô cùng dã man. Hoa Kỳ soạn thảo bộ hiến pháp được coi là cuốn Kinh tự do dân chủ vĩ đại nhất của nhân loại. Nhưng vẫn chưa bỏ được chế độ nô lệ. Phải trải qua một trận nội chiến đau thương hàng triệu người chết mới giải quyết được vấn nạn ô nhục của một quốc gia hùng cường mà toàn thể đất nước đều là di dân. Trong số hơn 40 vị tổng thống Hoa Kỳ chỉ có 2 người được ghi nhớ nhiều nhất.. Ông Washington là người anh hùng lập quốc chiến thắng cuộc cách mạng tuyên ngôn Hoa Kỳ độc lập. Người thứ hai là vị tổng thống thứ 16, ông Lincoln đã thống nhất đất nước và giải phóng nô lệ. Từ ngày đó cho đến thời ông Geoge W.Bush thứ 43, không người nào nhắc nhớ lại chủ trương kỳ thị da đen. Đến lượt ông Obama, vị tổng thống thứ 44 là người da đen đầu tiên vào nhà Trắng thì coi như nước Mỹ dứt khoát chôn cất được tư tưởng kỳ thị xấu xa xuống 3 thước đất. Tiếc thay đến vị tổng thống thứ 45, trong kỳ bầu cử quyết liệt 2016, ông Trump đã gián tiếpxử dụng vũ khí nguy hiểm nhất của nhân loại là tinh thần kỳ thị. Đã từ nhiều năm qua, người dân da trắng ở các miền thôn dã dường như bị bỏ quên. Nền văn minh đô thị và di dân được truyền thông Hoa Kỳ tô vẽ mỗi ngày. Thêm 8 năm với ông tổng thống Dân Chủ da đen đã làm cho một thành phần quan trọng lên tiếng. Khi số phiếu ngang ngửa giữa Cộng Hòa và Dân Chủ tại các tiểu bang miền Đông và Trung Mỹ thì phiếu da trắngvùng lên đã làm thành lịch sử. Với 29 cử tri đoàn Florida ông Trump thắng 49 trên 48%. Tại Wisconsin có 10 cử tri đoàn ông Trump thắng 48 trên 47%. Tại Minnesota 16 cử tri đoàn Trump thắng 47.6 trên 47.3%.Vị tân tổng thống chủ trương yêu nước Mỹ của người da trắng, hạn chế di dân và có những hành động cùng ngôn ngữ bất thường đã làm cả thế giới và nước Mỹ vô cùng quản ngại. Thêm vào đó đảng Cộng Hòa của tân tổng thống hiện đang lãnh đạo cả thượng và hạ viện. Tương lai sẽ chiếm phần đa số trên Tối cao pháp viện. Như vậy là lần đầu tiên một đảng nắm cả Lập Pháp, Hành pháp và Tư pháp. Vì vậy hiện nay nước Mỹ cần một bộ thẳng cho vị tổng thống hết sức bất thường trong thời gian ít nhất 4 năm sắp đến. Công việc ngăn cản, cố vấn, hướng dẫn cho tân tổng thống không phải chỉ dành cho phe Dân chủ đối lập mà chính người của Cộng Hòa phải đảm trách. Đặc biệt là nước Mỹ vẫn còn sức mạnh quan trọng của để tứ quyền trong tay giới truyền thông phản ảnh dân ý. Cũng nên ghi lại dân số Hoa Kỳ hiện là 320 triệu. Trong số này tồng số cử tri là 232 triệu nhưng số đi bầu chỉ có 135 triệu. Kết quả bầu cử tính đến giữa tháng 11-2016 ông Trump được 60,532 triệu phiếu và bà Clinton được 61,324 triệu phiếu. Như vậy không những bà Clinton được nhiều hơn khoảng 800 ngàn phiếu màsố người quyết định chọn tân tổng thống Hoa kỳ hiện chỉ có được khoảng một phần tư tổng số người Mỹtrưởng thành.Bà Clinton thua cuộc với một phần tư. Số còn lại nửa nước Mỹ không lựa chọn cả 2 bên.

Trong hoàn cảnh như hiện nay, chúng ta cùng xem lại lịch sử Thanhsgiving của Hoa Kỳ với phần quan trọng liên quan đến đề tài di dân và kỳ thị.Phần sau cùng là bài báo rất quan trọng về hoàn cảnh của CA với tân tổng thống.

******************************
Thanksgiving và di dân



Lịch sử: Quả thực người Mỹ đã có đầy đủ lý do để giữ gìn truyền thống với ngày Lễ Tạ ơn vào tháng 11 mỗi năm.
Lịch sử ghi rằng vào năm 1620 có một nhóm gia đình người Anh theo Tin Lành đã đi tìm đất mới để sống đời tự do tín ngưỡng
Con tàu May Flower nổi danh vượt Đại Tây Dương chở di dân với các niềm tin giáo lý khác nhau đến vùng Plymouth Rock của tiểu bang Massachusetts bây giờ. Nhóm gia đình người Anh chỉ có hơn ba chục, số còn lại là phần đông thủy thủ đoàn. Tổng số 102 người.
Đây là con tàu chính thức của di dân vì gồm cả gia đình vợ con. Trải qua một năm đầu với mùa đông khắc nghiệt, không đủ thực phẩm, không có đủ quần áo, không có nơi cư trú nên di dân đã phải chôn cất 46 người. Qua năm sau, mùa gặt 1621 thành công, di dân cùng dân da đỏ bản xứ tổ chức tiệc mừng lễ tạ ơn trên đất Mỹ.
Đó là ngày lễ hội đầu tiên tại Mỹ Châu và truyền thống còn mãi đến ngày nay. Không dựa theo 1 đạo giáo nào, lễ tạ ơn trải qua gần 400 năm đã thành ngày hội của cả quốc gia cảm ơn trời đất cho mọi người đủ cơm áo để sinh tồn.
Trong bữa tiệc lễ tạ ơn năm đầu tiên di dân đã ăn thịt gà rừng, ăn bánh làm bằng trái bí đỏ và thực đơn này đã trở nên món ăn truyền thống ngày lễ hội của Mỹ quốc cho tới ngày nay.
Tuy nhiên để trở thành một ngày quốc lễ chính thức thì phải tới năm 1863, vị tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ là ông Lincoln mới ban hành luật. Từ đó lễ tạ ơn được chính phủ công nhận vào ngày thứ năm của tuần lễ thứ ba tháng 11 hàng năm.
Di dân: Bây giờ Hiệp Chủng Quốc đã trở thành quê hương mới của các sắc dân. Từ 102 di dân trên tàu Hoa Tháng Năm, Hoa Kỳ đã có trên 300 triệu dân và trở thành quốc gia hùng cường nhất thế giới. Nước Mỹ có tiềm lực lớn hơn tất cả quốc gia Âu Châu gộp lại. Và điểm đặc biệt nhất, Hoa Kỳ chính là miền đất của cơ hội.
Hãy đưa ra một thí dụ cụ thể tại quốc gia dù tiến bộ như Nhật Bản nhưng không bao giờ một di dân nước ngoài có thể trở thành triệu phú, chính khách, khoa học gia, hay tài tử tại đất nước của Thiên Hoàng. Nhưng tại Mỹ thì bất cứ chuyện gì cũng có thể xẩy ra cho người ngoại nhập.
Qua thế kỷ 21 di dân, da đen, da vàng đã có nhiều cơ hội. Một tài tử điện ảnh gốc Áo là ông Arnold đã trở thành thống đốc California 2 nhiệm kỳ. Trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Bush, ngoại trưởng Hoa Kỳ vốn là một người da đen sinh trưởng ở hải đảo thuộc Mỹ. Tướng Collin Powell trước khi làm ngoại trưởng đã từng là tham mưu trưởng liên quân. Khi ông Powell đệ đơn từ chức, tổng thống Bush đã đưa bà da đen Condoleezza Rice lên kế nhiệm. Cần phải biết là chức vụ ngoại trưởng ở vị trí quan trọng thứ 4 trong guồng máy hành pháp Hoa Kỳ. Nếu xảy ra biến động thì người thay thế tổng thống là phó tổng thống kiêm chủ tịch thượng viện. Người thứ ba là chủ tịch Hạ Viện và rồi đến ngoại trưởng Hoa Kỳ. Vị trí thứ 4 của bậc thang trong quốc gia đầy quyền lực trên thế giới nằm trong tay một phụ nữ da đen độc thân 50 tuổi đã từng nổi danh trong giới khoa bảng tại đại học Stanford California.Cho đến mùa lễ tạ ơn 2008 thì một huyền thoại đã thành sự thực. Một người con của di dân da đen, thượng nghị sĩ Obama đã được bầu làm tổng thống Hoa Kỳ.
Không nước nào trên thế giới có thể dành cho người di dân nhiều cơ hội như thế.
Là quốc gia được thành lập và xây dựng bởi các sắc dân, tiền nhân của Mỹ quốc đã viết nên các bản văn bất hủ là hiến pháp và tu chính án Dân Quyền.
Đạo luật quốc tịch của Hoa Kỳ ban hành năm 1790, hơn 220 năm trước đã có những lời vàng ngọc như sau: Bất cứ ai tị nạn đến Hoa Kỳ, sau khi được xác nhận sẽ hưởng quy chế nhập cư.


Di dân Việt Nam.


Như vậy chúng ta hiểu một cách giản dị là nếu đã đến Mỹ thì sẽ có cơ hội trở thành người Mỹ.
Căn cứ vào điều khoản của luật 1790, một đạo luật khác đã ra đời năm 1975 có tên là Indochina Migration and Refugee Act.
Sau đây là đoạn văn năm 75 mà di dân Việt Nam cần đọc lại trong mùa tạ ơn năm 2016.
Tổng thống Hoa Kỳ sẽ làm bất cứ điều gì để mở rộng cánh cửa đón người tị nạn đến từ 3 quốc gia Đông Dương. Các viên chức trách nhiệm tại Mỹ sẽ đưa ra tất cả mọi phương tiện để giúp cho người dân tị nạn định cư. Phải nỗ lực làm giảm những đau khổ kinh hoàng của người tị nạn đến từ Đông Nam Á.
Vào tháng 7-1977 sau 2 năm đầu giúp đỡ người tỵ nạn Đông Dương di tản đợt 75, Hoa Kỳ ban hành luật gia hạn việc cứu trợ về tài chánh, y tế, và dịch vụ.
Tháng 3-1980 Mỹ ban hành thêm luật quy chế tỵ nạn vĩnh viễn và đề ra một chính sách tỵ nạn áp dụng chính thức tại Mỹ. Suốt 41 năm qua, kể từ tháng tư 1975 khi nhiều khi ít, khi khó khăn, khi dễ dàng, Hoa Kỳ đã dành ra những cấp khoản lớn lao cho người Việt đến Mỹ để trở thành 1 cộng đồng di dân đông đảo nhất vào cuối thế kỷ thứ 20.
Trong buổi bình minh của lịch sử Hoa Kỳ lập quốc, di dân vượt Đại Tây Dương đến Mỹ Châu đa số gốc Âu Châu. Sau đó, Thái Bình Dương đưa đến Mỹ dân Tầu và Nhật.
Từ đầu thế kỷ 20 hoàn toàn không có người Việt đến Mỹ cho đến khi gặp cơn hồng thủy 1975. Truyền thống của dòng giống Việt tộc thường không khích lệ con đường tha phương cầu thực. Vì vậy ngoại trừ số nhỏ qua lập nghiệp bên Miên, Lào và Thái, phần lớn người Việt đều ở lại với quê hương ven biển Nam Hải.
Khi miền Nam sụp đổ tháng 4-1975 đợt di tản đầu tiên của người Việt đã mở ra một đầu cầu quan trọng cho lịch sử di dân từ Châu Á. Những chuyến đi vô cùng mạo hiểm của thuyền nhân đã làm thành thiên anh hùng ca của con đường đi tìm tự do với hàng ngàn con tàu May Flower của dân Việt đã ra đi không bao giờ đến được miền đất Hứa.
Viet Museum: Bảo tàng của di dân Việt Nam.




Cũng nhân dịp ghi dấu 40 năm định cư tại Hoa Kỳ 1975-2016. Bảo tàng viện do cơ quan IRCC gây dựng đã hoàn thành hai tác phẩm. Đóng lại con tàu Vượt biên có tên là Tân Phát đúng kích thước và chi tiết con tàu thật. Đồng thời họa sĩ thực hiện bức hình sơn dầu vĩ đại cao 10 feet và dài 15 feet mô tả con tàu Tân Phát đang lướt sóng trên Biển Đông. Đây là con tàu thực sự đã đưa được nhiều gia đình Việt Nam vượt biển thành công hiện định cư tại Úc Châu và Bắc Mỹ. Sau khi Museum có con tầu Tân Phát mang hình ảnh Hậu Giang thì năm 2014 nhóm thuyền nhân Hải Nhuận tại Bắc CA đã hoàn thành con tầu miền Trung đại diện cho hàng trăm chuyến vượt biên từ cửa biển Hội An đi Hồng Kông. Trên bãi cát History Park San Jose hiện có 2 con thuyền tỵ nạn nằm song song. Hàng tuần cô giáo Hoa Kỳ xếp cho các em tiểu học ngồi bên những con thuyền lịch sử mà nói rằng. Ngày xưa May Flower đến phía đại Tây Dương. Những con tàu này đến từ Thái Bình Dương.
Những người di dân Việt Nam định cư tại Hoa Kỳ trong đợt đầu khi xây dựng cuộc đời đã ăn những con gà Tây cùng với các gia đình bảo trợ, với các họ Đạo trên 50 tiểu bang Hoa Kỳ.
Rồi những bức hình và những lá thơ gửi về cho thân quyến tại quê nhà đã trải qua suốt 10 năm khốn khổ sau 75. Miền Bắc là nơi giam giữ tù cải tạo. Miền Nam là những khu kinh tế mới.
Khi di dân Việt Nam trải qua 10 lần dự tiệc tạ ơn tại Hoa Kỳ thì những thùng quà gửi về đã làm cho cả đất nước hồi sinh. Từ cây kim sợi chỉ, từ chai thuốc tây đến thước vải. Những tờ giấy Mỹ Kim nằm trong hộp thuốc đánh răng với lời thư dặn dò đầy nước mắt. Thư viết rằng thuốc đánh răng này tốt lắm. Cố sức giữ lại mà dùng, đừng bán đi. Vỏ cũng xài được, đừng vất đi. Người ở lại đã phải nát óc vò đầu để tìm ra được ý nghĩa mật thư là trong tuýp thuốc có tiền. Có khi lá thư viết rằng nếu đói quá thì bán vải, bán đá lửa, bán bút bi đi mà ăn, nhưng cố giữ lấy cái thùng giấy đựng quà mà dùng. Hiểu được ý nghĩa lá thơ, người Sài gòn phải lần mò tháo hết vỏ thùng để tìm thấy giấy 100 đô giữa hai lớp bìa cứng.
Và cứ như thế dưới nhiều hình thức những con gà Tây của lễ tạ ơn Hoa Kỳ đã về đến Việt Nam. Quà và tiền gửi về thể hiện cho hình ảnh vật chất đầy đủ ở phía chân trời và đồng thời cũng là hình ảnh cuộc sống tự do rực rỡ nở hoa với chan hòa ánh sáng.
Và dù 5 ăn 5 thua con tàu May Flower đã ra đi từ khắp miền duyên hải Việt Nam có khi chỉ là những chiếc ghe nhỏ bé mong manh.
Người Việt có nhiều lý do để ra đi suốt bao năm qua. Và danh từ Boat People trong tự điển thế giới đã không còn cùng ý nghĩa xưa cũ để chỉ những người sinh sống ở trên thuyền.
Boat People ngày nay có nghĩa là người Việt đã đi tìm tự do bằng thuyền vượt biển Nam Hải.
Lịch sử các cuộc di dân của nhân loại đã đưa đến nhận định rằng Ta không thể lựa chọn sinh quán, nhưng ta có thể chọn lựa để sống ở miền đất mà chúng ta yêu quý. (You cannot choose the land you birth, but you can choose the land you love)




Thực đúng như vậy, chúng ta đã sinh ra trên quê hương không hề có sự lựa chọn nhưng nếu phải trả giá bằng sự sống chết thì chúng ta vẫn có cơ may lựa chọn nơi sinh sống.
Vì vậy không phải là chỉ người Mỹ hậu duệ của con tàu Hoa Tháng Năm đến từ Đại Tây Dương mới có quyền ăn gà Tây tháng 11. Dân Việt tỵ nạn cũng có đủ tư cách để cúng trời đất vào mùa lễ hội tạ ơn hàng năm.



Hãy tiếp tục mở rộng vòng tay 


Xem chuyện Do Thái và Palestin tranh chấp đẫm máu ở miền Trung Đông để biết rằng cả hai dân tộc này đã khốn khổ biết chừng nào. Năm ngàn năm trước người Do Thái vì lý do tôn giáo đã bỏ nước ra đi đến bốn phương trời. Họ thành công trên khắp thế giới nhưng vẫn hướng về đất thánh Jerusalem đầy huyền thoại. Sau khi bị Đức Quốc Xã bức hại dã man tại Âu Châu, đại chiến kết thúc, thế giới mở đường cho Do Thái trở về quê xưa dựng nước. Họ dành đất của Hồi Giáo Palestine. Bây giờ lại đến lượt người dân Palestime phải ra đi. Và cuộc đấu tranh giành đất giữa hai mối cựu thù vì niềm tin tôn giáo bắt đầu. Hận thù chất ngất đến nỗi có hàng ngàn người quyết đổi mạng sống để giết hết sắc dân thù nghịch gồm cả đàn bà và trẻ con vô tội.
Mối hận thù truyền kiếp đã đưa đẩy Hoa Kỳ và cả thế giới vào cơn Hồng Thủy của cuộc chiến chống khủng bố hiện nay.
Đã từ lâu miền Trung Đông không hề có những ngày lễ tạ ơn với cuộc sống bình yên. Và cũng không có triển vọng sẽ có một tương lai bình yên ở một nơi đầy dầu hỏa được gọi là vàng đen trong lòng đất.
Người Việt tại Hoa Kỳ đang sống bình yên ở miền đất cơ hội nhưng điều quan trọng hơn hết là chúng ta có dịp mở rộng viễn kiến để nhìn ra thế giới đầy thảm họa và biến động.
Với các tin tức, với các hình ảnh ghi nhận được, mỗi công dân Hoa Kỳ dù là bổn sinh hay ngoại nhập đều dễ dàng trở thành người dân có tri thức, có sự hiểu biết, có tấm lòng rộng lượng, có đức tính tha thứ, để sống với nhau tử tế. Đặc biệt có đủ hạnh phúc căn bản với cơm no áo ấm và tự do để cùng nhau dâng lễ tạ ơn với các niềm tin tôn giáo khác nhau.



Nhân dịp Thanksgiving 2016, xin gửi đến quý vị lời chúc mừng một lễ tạ ơn đầy hạnh phúc.

Giao Chỉ – San Jose

Phụ bản:

Chuyện di dân tại CA

California tỏ lập trường dứt khoát với Trump


Hà Tường Cát (NV): 
Chỉ một ngày sau bầu cử tổng thống, hai viện Quốc Hội California đưa ra một tuyên bố chung do hai người đứng đầu lưỡng viện ký tên, Thượng Nghị Sĩ Kevin de Leon, thường vụ Thượng Viện, và Dân Biểu Anthony Rendon, chủ tịch Hạ Viện.
Lời mở đầu tuyên bố chung viết: “Sáng nay thức dậy, chúng tôi cảm thấy mình như đang sống ở nước khác, vì hôm qua người dân Mỹ đã tỏ bày quan điểm của họ về một xã hội đa nguyên và dân chủ không phù hợp với những giá trị của người dân California.”
Trước hết, nên biết California là tiểu bang mạnh mẽ ủng hộ đảng Dân Chủ. Ứng cử viên Hillary Clinton chiếm 61.5% phiếu, ông Donald Trump 33.2%. Miền Nam California, ngoại trừ Los Angeles County, từ trước đến nay vẫn được coi là thành trì của đảng Cộng Hòa, nhưng vừa qua đa số cử tri ủng hộ bà Clinton hơn là ông Trump; Los Angeles County 71.5% – 23.4%, Orange County 49.8% – 44.8%, San Diego County 55.9% – 38.8%,…
Dân Chủ nắm đa số cả hai viện Quốc Hội tiểu bang, vì vậy, bản tuyên bố chung và những ý kiến như trên không là điều ngạc nhiên.
Tuy nhiên, sự kiện này và các vấn đề khác mà cho đến nay chưa thể dự kiến đầy đủ, là viễn ảnh của nhiều khó khăn trong mối quan hệ giữa chính quyền liên bang với tiểu bang California, và đồng thời với nhiều tiểu bang khác.
Ðừng nên quên, ông Trump thắng cử với 306 phiếu cử tri đoàn. Mặc dầu bà Clinton hơn ông Trump ít nhất gần 1 triệu phiếu phổ thông toàn quốc, nhưng điều ấy không có giá trị gì theo quy định bầu cử tổng thống Mỹ. Hệ thống cử tri đoàn là thể hiện vai trò của các tiểu bang, và không chỉ lý thuyết mà trên thực tế tiểu bang có nhiều quyền hạn giống như một quốc gia độc lập.
Bản tuyên cáo của Quốc Hội California minh định: “Dân chúng California, tiểu bang lớn nhất trong liên bang, bằng lương tri của họ, bác bỏ chủ trương chính trị dựa trên phẫn uất, mù quáng và kỳ thị giới tính. Ðây là đất của công lý và cơ hội cho mọi người, mọi tuổi tác và ước vọng, dù diện mạo thế nào, sống ra sao hay nói ngôn ngữ gì.” “California từ lâu đã tự hào là mẫu mực cho các tiểu bang khác. California sẽ bảo vệ dân chúng và tiến bộ của mình. Chúng tôi không để cho một cuộc bầu cử đảo ngược những tiến bộ qua nhiều thế hệ của cấu trúc xã hội đa văn hóa, khoa học phát triển, kinh tế mở mang và ý thức về nghĩa vụ toàn cầu,” đó là nội dung vẫn theo bản tuyên cáo.
Trong lời kết luận, tuyên cáo khẳng định: “Ông Donald Trump đã đắc cử tổng thống, nhưng không thể làm thay đổi những giá trị của chúng tôi. Chúng tôi không thể bị kéo lui về dĩ vãng. California sẽ lãnh đạo cuộc đấu tranh chống bất cứ nỗ lực làm tan vỡ hệ thống xã hội của chúng tôi và Hiến Pháp nước Mỹ. California không là một thành phần trong liên bang khi nước Mỹ lập quốc, nhưng bây giờ chúng tôi quyết tâm làm bảo vệ tương lai của nó.”
Qua tất cả các lập luận trên, một chi tiết dễ dàng nhận ra là những ẩn dụ về chủng tộc, di dân, và phản ánh mối hoài nghi lo ngại nếu như chính quyền Donald Trump sẽ thực hiện đường lối như đã nói ra trong thời gian tranh cử.
Về vấn đề di dân, thật ra cho đến nay, nhiều dư luận trong cũng như ngoài nước tin rằng ông Trump không thể nào thi hành những lời hứa hẹn như xây bức tường biên giới, trục xuất 11 triệu di dân bất hợp pháp, áp dụng những biện pháp gắt gao ngăn chặn dân Hồi Giáo vào Mỹ. Trên nguyên tắc, những việc này đi ngược lại lý tưởng cao đẹp của nước Mỹ, và dân Mỹ qua lịch sử 240 năm. Trong thực tế, có nhiều trở ngại từ xã hội, pháp lý, khả năng thực hiện cho tới quan hệ quốc tế với tính cách nước Mỹ không chỉ tự mình thành vĩ đại mà là một siêu cường quốc có vai trò và tầm ảnh hưởng đến toàn thế giới.
Ông Timothy White, chủ tịch hệ thống đại học Cal State, hôm Thứ Tư nói với nhật báo Los Angeles Times rằng sẽ không có chuyện trợ giúp vào việc trục xuất di dân bất hợp pháp nếu chính quyền Donald Trump thi hành. Ông cam kết duy trì chính sách đa dạng, đa văn hóa của hệ thống đại học có 470,000 sinh viên này. Ông White nói: “Trừ khi có quy định bằng luật, Cal State sẽ không thỏa hiệp với các cơ quan công lực liên bang hay tiểu bang cũng như với những cơ quan trách nhiệm về di dân thuộc Bộ Nội An và các bộ khác. Các sở cảnh sát của đại học chúng tôi không đáp ứng những yêu cầu bắt giữ di dân chỉ vì lý do thiếu giấy tờ hợp pháp.” Sự lo sợ và phẫn nộ của các sinh viên thiếu giấy tờ hợp pháp đã râm ran trên toàn quốc kể từ sau bầu cử.
Ông Herb Wesson, chủ tịch Hội Ðồng Thành Phố Los Angeles, nói rằng dân chúng “quan tâm sâu sắc” về những chuyển biến trong chính sách di dân của liên bang có thể có dưới chính quyền Donald Trump. Ông nói: “Không thể xem thường tình hình này.”
Các giới chức thành phố đang xem xét một loạt những giải pháp bảo vệ di dân, kể cả việc thuê các luật sư bênh vực và tìm những phương cách ngăn chặn không để cư dân Los Angeles bị trục xuất.
Không chỉ giới hạn ở California, tình hình này đang là thách thức trên toàn quốc.
Tại thành phố New York, Thị Trưởng Bill de Blasio đã dàn xếp để có một cuộc nói chuyện trực tiếp với tổng thống tân cử Donald Trump. Cuộc hội đàm kéo dài 62 phút hôm Thứ Tư, theo lời kể lại của ông de Blasio, hoàn toàn đi vào chủ đề di dân, “Không có phút nào dành cho những lời màu mè.” CNN cho biết ông de Blasio đã nói thẳng với ông Trump là “dân chúng New York đang lo sợ như thế nào.” Ông thị trưởng cũng giải thích cho ông Trump biết là Sở Cảnh Sát New York hiện nay có tới 900 nhân viên Hồi Giáo. Ông cũng minh định với ông Trump rằng “Nên suy nghĩ lại về việc bổ nhiệm cố vấn Steve Bannon, một cá nhân thuộc phái cho rằng người da trắng là ưu việt, rõ ràng có khuynh hướng chia rẽ, phân biệt chủng tộc.” Theo ông de Blasio, cuộc thảo luận căng thẳng, nhưng chân thực và ông Trump tỏ ra biết tiếp nhận những lời chỉ trích.
Tại tiểu bang Washington, bà Kathleen O’Toole, cảnh sát trưởng thành phố Seattle, cho biết chính sách đối xử với di dân không thay đổi dưới chính quyền Donald Trump “Dù cho cơ quan này có thể bị đe dạo cắt ngân sách.” Bà viện dẫn tuyên bố của Thị Trưởng Ed Murray rằng “thành phố Seattle quyết tâm duy trì những giá trị bình đẳng, hòa nhập, cởi mở” và sở cảnh sát theo đúng đường hướng ấy.
Như thế, riêng việc giải quyết chuyện di dân sẽ không đơn giản như ông Trump hứa hẹn. Có nhiều giới hạn về quyền lực giữa liên bang và tiểu bang, tổng thống liên bang không thể nào vượt qua để hành động theo ý muốn của mình.
Còn nói chung, trong nhiều vấn đề khác, mỗi tiểu bang có vai trò trong liên bang, sự hợp tác chung là thiết yếu để toàn nước Mỹ có thể phát triển và duy trì vị trí siêu cường quốc trên thế giới.
Riêng California là tiểu bang có nền kinh tế đứng đầu nước Mỹ, nếu tách rời thì sẽ đứng thứ 6 của Thế giới, bao gồm sản xuất và ngoại thương quan trọng. Các chuyển biến cho các hiệp định mậu dịch, như sửa đổi NAFTA hay bãi bỏ TPP, có ảnh hưởng mạnh đến California hơn bất kỳ nơi nào khác. Vì thế, California đến một lúc sẽ phải tính chuyện của mình và liên bang cũng không thể không quan tâm trước tình hình ấy. Lâu nay ở California đã có một vài nhóm nhỏ đề xướng việc tiểu bang ly khai khỏi liên bang thành một nước cộng hòa độc lập. Theo dự trù, một nhóm vận động sẽ đưa ra một dự luật trưng cầu dân ý vào năm 2018, đòi tách California ra khỏi Hoa Kỳ. Khuynh hướng ấy vốn không được nhiều sự hưởng ứng, nhưng hiện nay đang được đẩy mạnh và phát triển hơn. Có thể khẳng định là cuối cùng đây chỉ là chuyện hoang tưởng và chắc chắn không đi đến đâu. Tuy vậy, nếu như tới một thời điểm, mối quan hệ giữa California và liên bang có những trục trặc nào đó, thì biết đâu, ít nhất, dân Mỹ sẽ không còn rau quả sản xuất ở California!


No comments: