Friday, July 22, 2016

Nhiều nước bác tuyên bố sai lệch của Bắc Kinh về phán quyết PCA

HoangsaParacels:  Bắc Kinh hèn hạ, muốn ăn gắp bỏ tay người, không có tư cách cuả một nước lớn.


Hai giới chức Philippines cầm phán quyết dày gần 500 trang của PCA liên quan đến chủ quyền ở Biển Ðông. (Hình: AP Photo/Bullit Marquez)


HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Việt Nam hôm Thứ Hai bác bỏ thông tin nói thủ tướng nước này “tuyên bố ủng hộ lập trường của Trung Quốc về Biển Ðông,” theo thông tấn xã Việt Nam. Ngoài ra, theo BBC, một số quốc gia khác cũng bác bỏ tuyên bố của truyền thông Trung Quốc nói các nước này ủng hộ lập trường của Bắc Kinh trong tranh chấp lãnh hải.


“Thông tấn xã Việt Nam được quyền tuyên bố bác bỏ nội dung sai sự thật của báo chí Trung Quốc liên quan tới vấn đề Biển Ðông trong cuộc gặp giữa Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ Tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 14 Tháng Bảy vừa qua bên lề Hội Nghị Thượng Ðỉnh Á – Âu (ASEM) tại thủ đô Ulan Bator của Mông Cổ,” bản tin thông tấn xã Việt Nam viết.

Theo bản tin, “Sau cuộc gặp trên, nhiều cơ quan báo chí chính thức của Trung Quốc, trong đó có hãng thông tấn Tân Hoa Xã, trang mạng chinadaily.com.cn (phiên bản đối ngoại tiếng Anh của tờ Trung Quốc Nhật Báo) và tờ Nhân Dân Nhật Báo tiếng Hoa, đã dẫn lời Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc gặp nói rằng: ‘Việt Nam tôn trọng lập trường của Trung Quốc về vụ kiện trọng tài Biển Ðông,’ đồng thời cho biết: ‘Việt Nam sẵn sàng thúc đẩy đàm phán song phương về vấn đề biển và quản lý đúng đắn những khác biệt với Trung Quốc nhằm đóng góp cho hòa bình và ổn định khu vực,’ nhưng “Trên thực tế, trong cuộc gặp thủ tướng Trung Quốc, khi đề cập vấn đề Biển Ðông, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị hai bên cùng thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao, trong đó có ‘Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc.’”

“Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định lại lập trường của Việt Nam đối với phán quyết ngày 12 Tháng Bảy của Tòa Trọng Tài Thường Trực (PCA) ở The Hague (Hòa Lan) trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Ðông. Trước đó, ngày 12 Tháng Bảy, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Hải Bình đã nêu rõ: ‘Việt Nam hoan nghênh việc tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12 Tháng Bảy,’” vẫn theo thông tấn xã Việt Nam.

Hôm 12 Tháng Bảy, PCA ra phán quyết bác bỏ “đường lưỡi bò chín đoạn” của Trung Quốc, tuyên bố chủ quyền hơn 80% Biển Ðông.

Trong khi đó, theo Bloomberg News, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc từng tuyên bố Sri Lanka “hiểu và hoan nghênh” lập trường của Trung Quốc trên biển. Tuy nhiên phía Sri Lanka khẳng định điều này là không đúng.
“Thủ tướng của Sri Lanka, ông Ranil Wickremesinghe, nói trong một cuộc phỏng vấn ở Singapore hôm Chủ Nhật rằng cách dùng từ ‘hoan nghênh’ là không đúng. ‘Chúng tôi hiểu,’ tôi nghĩ họ cần sửa lại là ‘hiểu,’” theo Bloomberg News hôm 19 Tháng Bảy.

Bloomberg News cũng nêu tên các nước Ba Lan, Cambodia, và Slovenia cũng bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc cho rằng các nước này ủng hộ Bắc Kinh trong vấn đề này, theo Asia Maritime Transparency Initiative, một chi nhánh của trung tâm CSIS.

Theo BBC, Trung Quốc từng nói có được sự ủng hộ của Ấn Ðộ, nhưng vào ngày có phán quyết của PCA, New Delhi đưa ra thông cáo “khẩn thiết kêu gọi mọi bên tôn trọng tối đa Công Ước Luật Biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS).”

Chiếu theo UNCLOS, “đường lưỡi bò” của Trung Quốc hoàn toàn không có giá trị.

Ba Lan cũng nói “ủng hộ tuyên bố của Liên Hiệp Châu Âu (EU) trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc trước Tòa Trọng Tài Thường Trực,” theo BBC.

Hôm 15 Tháng Bảy, bà Federica Mogherini, ngoại trưởng Liên Âu, tuyên bố đại diện cho toàn khối, xác nhận EU ủng hộ phán quyết của PCA, theo BBC.

Tuy nhiên, về nguyên tắc, EU không nêu ra quan điểm liên quan tới các tuyên bố chủ quyền giữa các quốc gia.

Vẫn theo BBC, nhiều quốc gia khác mới đây cũng tuyên bố bác bỏ thông tin của Trung Quốc nói rằng họ ủng hộ Bắc Kinh trong vấn đề tranh chấp Biển Ðông, nhưng thực ra họ ủng hộ quyết định của PCA.

Các quốc gia này là Ấn Ðộ, Fiji, Croatia, Hy Lạp và Slovenia. (Ð.D.)

No comments: