Wednesday, September 11, 2013

Bước ngoặt mới trong cuộc khủng hoảng Syria_NgV


Việc Syria chấp nhận từ bỏ vũ khí hóa học theo sáng kiến của Nga, cuộc khủng hoảng Syria đang chuyển sang một bước ngoặt mới.

Các hãng tin của Nga như RIA Novosti, Interfax chiều tối nay vừa thông báo, chính phủ Syria đã chấp nhận đề xuất của Nga về việc sẽ giao kho vũ khí hóa học cho cộng đồng quốc tế. Các nhà ngoại giao Iran và Syria hiện đang có mặt tại Moscow để thảo luận đề xuất này nhằm tránh một cuộc không kích của Mỹ vào Syria.
Sau cuộc họp với Người phát ngôn của Quốc hội Nga Sergei Naryshkin, Bộ trưởng Ngoại giao Syria Walid Muallem nói: “Hôm qua, chúng tôi đã có một cuộc đàm phán rất hiệu quả với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov và ông ấy đã thúc đẩy sáng kiến về vũ khí hóa học. Đến tối nay, chúng tôi đã chấp nhận sáng kiến này của Nga”.
Bộ trưởng Ngoại giao Syria cho biết, Damascus chấp nhận sáng kiến của Nga để “tránh sự tấn công của Mỹ”.
Sau cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Syria Walid Muallem, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir Abdollahian thông báo: “Chúng tôi đã thảo luận các cơ chế của quá trình hiện thực hóa sáng kiến do Nga đề xuất”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Lavrov cho hay Nga đang "làm việc khẩn cấp với Syria chuẩn bị một kế hoạch chi tiết rõ ràng" cho việc chuyển giao này. Kế hoạch sẽ được công bố sớm và Moscow sẽ hoàn thành kế hoạch chính xác với Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon và Tổ chức cấm sử dụng vũ khí hóa học.
Thông tin này mang lại tia hy vọng cho một giải pháp chính trị không tiếng súng. Và nó mang những ý nghĩa nhất định đối với các bên.
Đối với Syria, đất nước này sẽ thoát khỏi nguy cơ bị tấn công.
Đối với Mỹ, sẽ tránh được cuộc giằng co giữa Tổng thống Barack Obama và các nghị sĩ. Đối với cá nhân Tổng thống Obama, người mà uy tín đang giảm mạnh trong chính sách đối ngoại, việc ủng hộ sáng kiến của Nga là cơ hội lùi bước mà vẫn giữ được thể diện, trước hết là đối với nhân dân Mỹ. Theo thăm dò dư luận, hầu hết người Mỹ đang mệt mỏi vì các chiến dịch ở Afghanistan và Iraq nên không ủng hộ kế hoạch can thiệp quân sự vào Syria. Trong một cuộc phỏng vấn của kênh truyền hình Mỹ, tổng thống Barack Obama tự thừa nhận rằng bà Michelle vợ ông cũng phản đối chiến tranh.
Và Nga, xem ra là bên được “lời” nhất nếu giải pháp này thành hiện thực, khi trở thành “sứ giả hòa bình”. Trong tuyên bố, Ngoại trưởng Syria nói rõ “Nước Cộng hòa Ả Rập Syria hoan nghênh sáng kiến của Nga... xuất phát từ lòng tin của chúng tôi vào sự sáng suốt của lãnh đạo Nga trong việc nỗ lực ngăn chặn cuộc oanh kích của Mỹ ”.

Tuy nhiên, giới chức Mỹ tiếp nhận thông tin này với thái độ cẩn trọng.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói Mỹ sẽ đợi kế hoạch của Nga, song "chúng tôi sẽ không chờ lâu", ông Kerry nhấn mạnh, còn TNS John McCain cũng khẳng định Nga và Syria cần đưa ra một kế hoạch chi tiết và nhanh chóng.
Ngay cả Mỹ cũng có động tác trì hoãn cuộc oanh kích. Thượng viện Mỹ, sau ngày đầu tranh luận 9/9, đã quyết định hoãn bỏ phiếu có cho Mỹ can thiệp quân sự vào Syria hay không. Theo một nguồn tin không chính thức, Thượng viện Mỹ có thể sẽ không bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết này trong tuần này. Trong khi đó, trả lời phỏng vấn 6 đài truyền hình lớn của Mỹ ngày 9/9, Tổng thống Obama khẳng định “hoàn toàn có thể tạm dừng kế hoạch tấn công Syria” nếu đề xuất của Nga thành hiện thực. Tuy vậy, ông Obama vẫn giữ quan điểm đẩy mạnh các nỗ lực thuyết phục quốc hội và quốc tế cho nỗ lực quân sự của mình. Phát biểu trên đài NBC, ông Obama nói: “Đây có thể là một đột phá quan trọng. Nhưng chúng ta phải thận trọng vì đây không phải là cách mà Syria hành xử những năm gần đây”. Song song với các cuộc gặp gỡ và trả lời phỏng vấn, chính quyền Tổng thống Obama có kế hoạch trao các băng video cho các đồng minh, các nhà lập pháp Mỹ và các cơ quan truyền thông, qua đó khẳng định các thường dân Syria là nạn nhân của cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ngày 21/8 vừa qua. Giới chức Nhà Trắng nói rằng họ muốn phát động chiến tranh nhằm làm suy giảm khả năng của quân đội Syria và để cảnh báo Syria không được sử dụng vũ khí hóa học một lần nữa.
Giới quan sát cũng hoài nghi về các biện pháp chi tiết của quá trình chuyển giao kho vũ khí hóa học cho cộng đồng quốc tế, như số vũ khí này sẽ được đưa đi đâu, ai sẽ bảo đảm cho số vũ khí này, và làm thế nào để có thể chắc chắn Syria đã chuyển giao toàn bộ kho vũ khí hóa học này nhất là trong bối cảnh cuộc nội chiến khốc liệt ở Syria.

left align image
Nga, Mỹ làm gì nếu Syria giao nộp vũ khí hóa học?


Tình hình Syria bớt nóng khi phương án đổi vũ khí hóa học lấy hòa bình, Syria sẽ phải giao nộp kho vũ khí hóa học lớn nhất Trung Đông của mình. Nhưng vấn đề lớn nhất là ngay cả 2 cường quốc Nga, Mỹ còn đang khốn đốn xử lý kho vũ khí hóa học của mình trong nước.
Hàng nghìn tấn vũ khí hóa học trong quá trình tiêu hủy đang ngốn không ít tiền bạc của hai cường quốc Nga, Mỹ.
Trong khi Mỹ đã phá hủy tới 90% số lượng vũ khí mà họ tuyên bố là còn tồn lại từ thời kì hậu Chiến tranh Lạnh thì con số này tại Nga mới chỉ ở mức 76% trong tổng số 40.000 tấn các chất hóa học được thừa hưởng từ quân đội Xô viết.
Lượng vũ khí hóa học khổng lồ đã tiêu tốn của nước Mỹ khoảng 25-26 tỷ USD, 10% còn lại dự tính mất thêm khoảng 6-7 tỷ USD.
Phát ngôn viên của Hội đồng tìm kiếm giải pháp thay thế vũ khí hóa học thuộc Quân đội Mỹ cho hay chính thiết kế của các loại vũ khí hóa học đã làm cho việc thiêu hủy hoặc vô hiệu chúng thông qua việc sử dụng các loại hóa chất khác trở nên hết sức khó khăn.
Washington vẫn còn tới 2.359 tấn khí gây chết người được lưu trữ ở Colorado và 523 tấn hơi độc làm rộp da hoặc gây tổn hại thần kinh ở Kentucky mà Lầu Năm Góc dự định sẽ tiêu hủy hết vào năm 2019 và năm 2023.

Syria đồng ý giao nộp, vũ khí hóa học ai giữ?

Giữa lúc những bất đồng trong cuộc chiến tại Syria chưa có hồi kết, ngày 9/9, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bất ngờ tuyên bố: “Chúng tôi kêu gọi giới lãnh đạo Syria đặt các địa điểm chứa vũ khí hóa học dưới sự kiểm soát quốc tế, sau đó tiêu hủy chúng và tham gia Công ước Cấm phổ biến vũ khí hóa học”.
Ngoại trưởng Nga cho hay, nếu điều này xảy ra, đây sẽ là giải pháp tốt nhất để hạn chế một cuộc tấn công quân sự mà Mỹ và đồng minh đang cân nhắc.
Một diễn biến có liên quan, Tổng thống Mỹ Barack Obama trả lời trên truyền hình CBS tại Nhà Trắng hôm 9/9 ghi nhận "bước đột phá tiềm năng" này từ Moscow.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã lên tiếng bóng gió khẳng định Tổng thống Syria Bashar al-Assad có thể tránh được một cuộc can thiệp quân sự nếu chịu chuyển giao kho vũ khí hóa học cho cộng đồng quốc tế trong tuần tới.
Một lượng lớn vũ khí hóa học trong nước vẫn đang gặp nhiều khó khăn để tiêu hủy, Washington và Moscow sẽ đưa ra kế sách gì một khi chính phủ Assad gật đầu với đề xuất của điện Kremlin?


Nam Yết chuyển

No comments: