Friday, August 30, 2013

Không quân Mỹ nhận lệnh chuẩn bị tấn công Syria _NgV



Trong khi các tàu chiến của Hải quân Mỹ đang ở vùng biển Địa Trung Hải đóng vai trò chính trong cuộc tấn công Syria, Không quân Mỹ cũng có một phi đội gồm các máy bay chuẩn bị cho cuộc chiến nàyTheo một số nguồn tin, Mỹ dự kiến sử dụng chủ yếu tên lửa hành trình Tomahawk được phóng từ biển để tấn công các mục tiêu quân sự và lực lượng liên quan tới vũ khí học của chính phủ Syria. Tuy nhiên, Không quân Mỹ cũng khẳng định họ được lệnh chuẩn bị cho một cuộc tấn công chống lại chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.
“Bộ trưởng Quốc phòng đã yêu cầu chúng tôi chuẩn bị nhiều phương án và chúng tôi đang thực hiện theo kế hoạch đó”, Tư lệnh Không quân Mỹ Tướng Mark Welsh tiết lộ.

left align image
Các quan chức quân sự Mỹ cho biết các cuộc tấn công có thể có sự tham gia của máy bay chiến đấu cất cánh từ mặt đất, như phi đội chiến đấu cơ và máy bay ném bom đang được triển khai ở khu vực Tây Nam Á, bao gồm căn cứ không quân ở Jordan.
“Các hệ thống hỏa tiễn và không lực có thể được sử dụng để tấn công hàng trăm mục tiêu được lựa chọn. Các lực lượng tham gia sẽ bao gồm hàng trăm máy bay chiến đấu, tàu chiến, tàu ngầm và các phương tiện quân sự khác”, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey cho biết.

Không quân Mỹ duy trì một số lượng lớn căn cứ tại khu vực châu Á. Các căn cứ là nơi xuất kích của máy bay chiến đấu không đối đất, máy bay tiếp liệu, máy bay ném bom và máy bay chỉ huy chiến lược. Các máy bay ném bom B-1B Lancers từ Phi đội ném bom số 9 đã được điều tới một trong những căn cứ trong khu vực và đã tham gia cuộc tập trận Spartan Kopis tại vịnh Ả-rập vào đầu tháng 8 này. Loại máy bay này cũng được sử dụng tại Afghanistan, Iraq và cuộc không kích vào Libya năm 2011.
Chiến đấu cơ F-15E từ Phi đội máy bay chiến đấu số 389 cũng được triển khai tại khu vực Tây Nam Á từ tháng 4 năm nay. Từ đầu năm 2013, Không quân Mỹ cũng đã triển khai chiến đấu cơ tàng hình F-22 tới gần Syria. Trong khi đó, máy bay chiến đấu F-16 từ Phi đội máy bay chiến đấu số 140 đã đồn trú tại Jordan từ tháng 6 sau khi tham gia cuộc tập trận Eager Lion tại đây.
Bên cạnh triển khai các máy chiến đấu và phương tiện quân sự tại các căn cứ ở châu Á và châu Âu, Không quân Mỹ cũng sử dụng các máy bay cất cánh từ lãnh thổ nước này để tấn công các mục tiêu trên khắp thế giới. Trong chiến dịch không kích Libya vào năm 2011, cả máy bay tàng hình B-1B và B-2 đã cất cánh từ lãnh thổ Mỹ để tấn công các mục tiêu hải ngoại thay vì được triển khai tại các căn cứ quân sự gần mục tiêu tấn công.
Nếu Mỹ quyết định sử dụng lực lượng không quân trong một cuộc tấn công vào Syria, loại máy bay được sử dụng và sứ mệnh mà chúng thực hiện sẽ phụ thuộc vào mục tiêu tấn công, nhà phân tích quốc phòng Rebecca Grant tại Viện nghiên cứu độc lập IRIS cho biết.

“Mỹ có thể chỉ sử dụng tên lửa hành trình để tấn công trừng phạt Syria, nếu muốn đưa ra một thông điệp cảnh cáo...Nhưng nếu muốn phá hủy những mục tiêu chủ chốt của chính quyền Syria, Washington sẽ cần tới các máy bay chiến đấu hạng nặng và tôi nghĩ rằng họ sẽ cử B-2, F-22, các máy bay ném bom khác và có thể một số máy bay trên hạm”, Rebecca Grant nhận định,“F-15E sẽ rất hiệu quả với khả năng mang theo những loại vũ khí chính xác cao và bom dẫn đường bằng laser và tất nhiên F-16 được sử dụng để phá hủy hệ thống phòng không của kẻ thù.”

Tuy nhiên, nhà phân tích Anthony Cordesman thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế cho rằng Mỹ cần cân nhắc cẩn thận về tổn thất nếu sử dụng những loại máy bay như F-22 hay B-2 trong cuộc tấn công vào Syria.
Nguy cơ máy bay bị bắn rơi cũng khiến các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Mỹ tính tới phương án lập một vùng cấm bay trên bầu trời Syria bởi vì điều này sẽ giúp tăng khả năng tấn công bằng không quân vào Syria, nhưng ông Martin Dempsey cho rằng phương án này sẽ tốn khoảng 1 tỷ USD/tháng.

left align image

"Thợ săn phóng xạ" WC-135 Constant Phoenix.

Mỹ điều “thợ săn phóng xạ” WC-135c tới Syria?
Một chiếc máy bay chuyên phát hiện chất phóng xạ WC-135 đã được phát hiện đậu tại phía nam Anh, phải chăng nó đang trên đường tới Syria?
Theo tờ Business Insider, chiếc máy bay này đã cất cánh từ căn cứ không quân Offutt, (bang Nebraska, Mỹ), trên Đại Tây Dương nó được tiếp nhiên liệu bởi một chiếc KC-135 Stratotanker xuất phát từ căn cứ không quân Mildenhall của Anh. Đây là căn cứ luôn đóng một vai trò hỗ trợ tích cực trong các chiến dịch hàng không băng qua Đại Tây Dương của Mỹ.
Boeing WC-135 Constant Phoenix là máy bay trang bị các thiết bị đặc biệt cho phép nó thu thập các mảnh vụn và bụi khí thải trên vùng khí quyển mà nó đi qua để xác định địa điểm diễn ra một vụ nổ hạt nhân nào đó.
WC-135 được vận hành bởi phi hành đoàn 33 người gồm cả phi công, nhân viên bảo trì và vận hành các thiết bị đặc biệt của không quân. Tuy nhiên, trong mỗi chuyến bay làm nhiệm vụ, phi hành đoàn của nó đều được giảm tới mức tối thiểu nhằm bảo vệ mọi người tránh bị phơi nhiễm phóng xạ.
Hiện nay chỉ có 2 chiếc loại này là WC-135W (mã hiệu 61-2667) được chế tạo trên nguyên mẫu chiếc Boeing-135 và WC-135c (mã hiệu 62-3582) được hoán đổi từ một chiếc EC-135C. Chúng khác nhau chủ yếu ở bộ phận thu mẫu khí được trang bị trên máy bay.
Cả 2 nằm dưới sự kiểm soát của Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật không quân (AFTAC) đóng tại Căn cứ Không quân Patrick (bang Florida, Mỹ) nhưng được vận hành bởi Phi đội trinh sát 44 và 45 tại Căn cứ không quân Offutt.
Từ khi được đưa vào sử dụng, WC-135 đã thực hiện rất nhiều phi vụ săn tìm dấu vết của phóng xạ hạt nhân trên khắp các vùng Viễn Đông, Ấn Độ Dương, Vịnh Bengal, Địa Trung Hải, các vùng cực và các bờ biển của Nam Mỹ và châu Phi. Nhiệm vụ gần đây nhất là vào hồi đầu năm 2013, chiếc WC-135W được phái đến Triều Tiên để xác minh dự đoán về một vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Trở lại với sự kiện lần này, trong bối cảnh tình hình khu vực Trung Đông-Bắc Phi hiện nay, việc chiếc WC-135C bất ngờ có mặt tại Anh khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Có phải nó đang trên đường đến Syria để săn tìm tung tích của chất độc hóa học?
Như đã nói WC-135 Constant Phoenix là máy bay chuyên dùng để “đánh hơi” vết tích của phóng xạ hạt nhân nhưng cũng là điều rất bình thường nếu nó được trang bị thêm các thiết bị phát hiện các chất độc hóa học. Thậm chí có những phỏng đoán cho rằng nó có thể tìm ra các vết chất độc lẫn vào trong không khí sau khi chúng được phát tán 1 tuần.

Cũng có thể loại bỏ khả năng chiếc WC-135 này được điều đến vùng Fukushima của Nhật hay Bắc Triều Tiên như những phi vụ gần đây của nó vì khi đó máy bay sẽ phải bay theo tuyến đường Thái Bình Dương, qua Hawaii chứ không phải bay theo tuyến Đại Tây Dương và dừng tại Anh.


Nam Yết chuyển

No comments: