Saturday, June 1, 2013

Trúc Giang: Bộ Mặt Hoen Ố Của Trung Cộng Trên Trường Quốc Tế



1* Mở bài

Bộ mặt hoen ố của Trung Cộng trên trường quốc tế kéo theo bộ mặt hoen ố của đảng CSVN đối với dân tộc, vì “hèn với giặc, ác với dân”, nói chung Cộng Sản là khả ố.


Hoen ố là những vết loang ra từng mảng khó gột tẩy được. Khả ố là xấu xa đáng ghét đến mức độ ghê tởm.
Trung Cộng, với chính sách đối ngoại hung hăng, côn đồ, luôn đứng về phía các chế độ và các nhà độc tài, vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, tham nhũng, thậm chí những nhà độc tài bị Toà án Hình Sự Quốc Tế kết 3 tội: tội diệt chủng, tội ác chống nhân loại và tội ác chiến tranh, như tổng thống Omar Al Bashir của Sudan. Toà án đã tống đạt lịnh bắt giam đến các cơ quan Interpol trên thế giới.
Trung Cộng cũng ủng hộ, bao che và viện trợ cho Bắc Hàn, Iran, Bashar al-Assad (Syria), Robert Mugabe tổng thống Zimbabwe. Trước kia, ủng hộ Pol Pot, Muammar al Gaddafi (Libya), Than Shwe của Miến Điện.
Cho dù Trung Cộng có trở thành một cường quốc số một đi nữa, nhưng với thành tích tàn bạo, dã man trong Cải Cách Ruộng Đất, trong Cách Mạng Văn Hoá, trong các vụ đàn áp sinh viên ở Thiên An Môn, Pháp Luân Công, và hành động cướp của giết người như hiện nay, thì cũng khó được loài người văn minh kính nễ.
Nhưng còn lâu nước nầy mới trở thành một siêu cường số một trước sự bao vây quân sự và kinh tế của Hoa Kỳ và các đồng minh như hiện nay.
2* Trung Cộng đang nổ lực trở thành cường quốc trên biển



Trong kế hoạch tăng cường sức mạnh các lực lượng vũ trang, hải quân là một trong những ưu tiên hàng đầu của Trung Cộng. Đóng thêm hàng không mẫu hạm sau khi tân trang chiếc phế thải Varyag biến thành chiếc Liêu Ninh, xin mua tàu ngầm hiện đại lớp Lada sau khi đã có lớp Kilo. Xin mua của Nga phi cơ Su-35 từ thế hệ 4.5 được nâng cấp lên gần bằng thế hệ thứ 5.
Do hải quân còn thua xa so với Hoa Kỳ, nên Trung Cộng ước mong trở thành cường quốc trên biển để thực hiện việc chiếm biển đảo và tài nguyên của các nước trong khu vực.
2.1. Năm con rồng trên biển của Trung Cộng
Trung Cộng hảnh diện về 5 cơ quan chấp pháp (Law enforcement) trên biển của họ, gọi đó là năm con rồng (Five Dragons) Theo thứ tự sức mạnh về nhân sự và vũ khí, 5 cơ quan được xếp trên dưới như sau:
1. Cảnh sát biển CCG (China Coast Guard)
2. An ninh biển MSA (Maritime Safety Administration)
3. Hải giám CMS (China Marine Surveillance)
4. Ngư chính FLEC (Fisheries Law Enforcement Command)
5. Hải quan (Customs)
2.2. Hải giám Trung Cộng
Biển Đông là khu vực hoạt động của tàu Hải giám Trung Cộng vì tàu nầy có nhiệm vụ hoạt động ngoài lãnh hải (Territorial Sea) 12 hải lý, cụ thể là khu vực thuộc vùng Đặc quyền Kinh tế EEZ (Exclusive Economic Zone) 200 hải lý, tính từ trong bờ trở ra. Vùng biển hình lưỡi bò mà Trung Cộng tự nhận là của họ, vì thế mà tàu hải giám tung hoành ở vùng biển nầy bằng những hành động côn đồ đối với tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam và Philippines.
Hải giám là một tổ chức bán quân sự có quân số 10,000 người, 300 tàu và 10 phi cơ. Hải giám phối hợp hoạt động với tổ chức của 10 thành phố lớn và 170 đơn vị hành chánh vùng ven biển.
3* Lột mặt nạ tàu hải giám Trung Cộng
3.1. Tham vọng trở thành một cường quốc trên biển
Sau khi phô trương Hàng không mẫu hạm (HKMH) Liêu Đông (Varyag), Trung Cộng tuyên bố đang đóng một HKMH hiện đại hơn với mục đích tự cho là “bảo vệ chủ quyền lãnh thổ” mà thực chất là ăn cướp tất cả những gì nằm trong vùng biển hình lưỡi bò ở Biển Đông.
Phát triển hải quân là một trong những ưu tiên hàng đầu trong việc hiện đại hoá lực lượng quân sự của Trung Cộng.
3.2. Lột mặt nạ tàu hải giám
Hải giám là một cơ quan thuộc Bộ Tài nguyên, có trách nhiệm giám sát và quản lý các khu vực biển để bảo vệ quyền hàng hải, bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học công nghệ trong vùng biển, cụ thể là giám sát các hải đảo, cấp phép cho các công trình dưới biển như dây cáp, ống dẫn dầu, thăm dò và khai thác dầu khí, bảo vệ lưu thông hàng hải.
Chỉ trong 3 tháng cuối năm 2012, Trung Cộng đã đưa ra biển hàng chục tàu trọng tải hàng ngàn tấn, đó là những tàu chiến biến cải thành tàu dân sự thuộc lực lượng hải giám và ngư chính. Các nhà quan sát cho rằng “Trung Cộng đã hải quân hoá các tàu chấp pháp trên biển”.

Trên trang mạng Baidu, Trung Cộng thông báo có 11 tàu hải quân được hoán cải thành tàu hải giám. Con số dự kiến sẽ được gia tăng trong thời gian tới. Các đội tàu hải giám được tăng cường như sau:
1. Tổng đội Hải giám Bắc Hải. Tổng đội nầy được tăng cường 3 tàu:
- Tàu kéo Bắc Đà 710 được chuyển đổi Hải Giám 110.
- Tàu phá băng Hải Băng 723 biến tướng thành Hải Giám 111
- Tàu quét ngư lôi Liêu Ninh 814, hoán cải thành HG 112.
2. Tổng đội Hải giám Đông Hải.
- Tàu kéo Đông Đà 830 biến thành HG 137
- Hai tàu đo đạc Đông Trác 226 và tàu khu trục hỏa tiễn Nam Kinh 131 đang trong tiến trình cải tiến để tăng cường cho Tổng đội Hải giám nầy.
3. Tổng đội Hải giám Nam Hải. Tổng đội phụ trách vùng biển hình lưỡi bò được tăng cường 5 tàu:
- Tàu kéo Nam Đà 154 trở thành HG 167.
- Tàu điều tra hải dương Nam Điều 44 được “phù phép” thành HG 168
- Hai tàu trinh sát điện tử Hải Vương Tinh 852 và tàu khu trục hoả tiễn Nam Kinh 162 hiện đang trong chương trình biên chế sang Tổng đội Hải giám Nam Hải, nên chưa có tên.
- Một tàu hải quân khác cũng biến cải thành tàu hải giám
Qua hình ảnh trên trang mạng, ngoài việc sơn sửa lại tên tàu, phù hiệu, đơn vị, các tàu nầy không có gì thay đổi từ tàu chiến sang tàu dân sự cả, nghĩa là hệ thống vũ khí và trang thiết bị được giữ nguyên.
Sự khác biệt giữa tàu hải quân và tàu hải giám là, tàu hải quân được thiết kế bằng những động cơ mạnh để có tốc độ cao, khả năng chịu đựng sóng gió cao hơn tàu dân sự. Tàu phá băng sức mạnh rất lớn để phá những tảng băng dày đặc, chịu đựng sức va đập cực mạnh. Trong khu vực Đông Nam Á, không có quốc gia nào có tàu hải quân với trọng tải 6,000 tấn như chiếc Ngư Chính 206 của Trung Cộng cả.
Mục đích đưa tàu chiến (tàu khu trục) làm tàu dân sự không chỉ tạo sức mạnh, mà còn che giấu một mưu đồ gian xảo, đó là tiếp cận, xâm nhập các vùng biển thuộc chủ quyền của các quốc gia khác mà theo luật hàng hải quốc tế, thì các chiến hạm không có quyền bén mảng tới. Chiếc mặt nạ nầy cũng bị lột xuống.
4* Vũ khí dỏm của Trung Cộng cũng bị lật tẩy
4.1. Tàu chiến dỏm
Trung Cộng mang tàu hộ tống hạng trung thuộc thế hệ mới nhất lớp 054A sang chào hàng để bán cho Thái Lan nhưng đã bị loại ngay tại vòng đầu, hồ sơ đấu thầu bị ném qua một bên, dư luận cho rằng đó là sự sỉ nhục của công nghiệp đóng tàu Trung Cộng.
Tàu hộ tống là tàu chiến (khu trục) làm nhiệm vụ hộ tống để bảo vệ những loại tàu không có chức năng chiến đấu, như hàng không mẫu hạm, tàu vận tải, tàu đổ bộ… Để làm nhiệm vụ hộ tống và bảo vệ, tàu nầy được trang bị các loại vũ khí để chống những cuộc tấn công từ phi cơ trên trời, từ tàu chiến khác trên biển, các giàn hoả tiễn trên mặt đất và tàu ngầm dưới mặt nước.
Trong cuộc đấu thầu, Thái Lan đưa ra điều kiện là đơn vị trúng thầu phải cung cấp tàu chiến có khả năng phối hợp hệ thống điều khiển chiến đấu với hai loại tàu có sẵn của Thái Lan là HTMS (His Thai Majesty’s Ship) Maresuan và HTMS Taksin, là hai loại chiến hạm phiên bản của lớp 053A mà Trung Cộng đã bán cho Thái từ năm 1994 đến 1995. Trung Cộng tưởng bở, tin tưởng nắm phần chắc sẽ trúng thầu trong tay nhưng bị một cái tát bất ngờ, làm mất mặt vì sản xuất vũ khí dỏm.
Số là, sau một thời gian xử dụng tàu Trung Cộng thuộc lớp 053A, Thái nhận ra kỹ thuật rất tệ. Những trục trặc liên tiếp xảy ra như động lực không thể tin cậy được, hệ thống vũ khí, hệ thống chỉ huy rất lạc hậu, chập chờn khi đực khi cái, khi có khi không, vỏ tàu bị rỉ nước, nhất là bị bất lực trong những cuộc tập trận chung với tàu hải quân Hoa Kỳ.
4.2. Thái Lan làm mất mặt Trung Cộng
Đến năm 2010 và 2011, Thái gọi thầu sửa chữa, và công ty Saab thực hiện. Trung Cộng không biết điều bí mật quân sự nầy của Thái Lan. Tất cả những trang thiết bị trên hai loại tàu nầy, từ điện tử, hệ thống cảm biến, liên lạc chỉ huy, radar… đều được chuyển sang kỹ thuật Hoa Kỳ và Pháp. Như vậy, sau cuộc giải phẩu cắt bỏ nội tạng, chỉ còn lại cái vỏ tàu không mấy bảo đảm mà thôi.
Đối với các nước, việc nâng cấp tàu thường do công ty sản xuất ra nó thực hiện, nhưng Thái đã quá bực bội nên không dám nhờ Trung Cộng. Sự tin cậy của Bangkok đối với Bắc Kinh đã chấm dứt. Đó là kinh nghiệm của việc ham giá rẻ mà ôm đồ dỏm vào có thể bị mất mạng như chơi trong chiến đấu.
4.3. Radar dỏm của Trung Cộng
Ngày 4-3-2013, Bộ Quốc phòng Ecuador tuyên bố 4 giàn Radar mua của Trung Cộng là hàng dỏm. Hai hệ thống radar YLC-2V và YLC-18 chất lượng quá kém, không hoạt động được. Ecuador đòi Trung Cộng phải trả lại số tiền 36 triệu USD và đòi phải bồi thường thiệt hại 9 triệu USD.
Trung Cộng lại bị mang tiếng xấu và mất uy tín về chất lượng vũ khí cũng như các loại hàng hoá khác.
5* Thái độ côn đồ của Trung Cộng ở Biển Đông
Thái độ côn đồ nầy cũng là hành động tự bôi tro trét trấu làm hoen ố bản mặt của Trung Cộng trước công luận thế giới.
5.1. Trung Cộng tổ chức du lịch Hoàng Sa
Theo tờ Hoàn Cầu Thời báo (Global Times) thì ngày 28-4-2013 một tàu du lịch Trung Cộng đã đưa khách đến đảo Hoàng Sa. Chuyến du lịch 4 ngày gồm 100 thường dân và nhiều cán bộ. Hành khách thường dân phải trả từ 7 đến 9,000 nhân dân tệ (từ 23 đến 30 triệu đồng VN). Giới chức Hải Nam cho biết, nếu chuyến du lịch thành công thì mỗi tháng sẽ có hai chuyến du lịch đến quần đảo mà Trung Cộng đã đánh chiếm của Việt Nam hồi năm 1974.
5.2. Phản ứng của Việt Nam
Phát ngôn viên Bộ Ngoai giao CSVN, Lương Thanh Nghị, cho báo chí biết chuyến du lịch là phi pháp và yêu cầu Trung Cộng chấm dứt hành động sai trái ở Hoàng Sa.
Lương Thanh Nghị vẫn nhai đi nhai lại như trả bài thuộc lòng những tuyên bố cũ rích như: “Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi được đối với quần đảo Hoàng Sa. Việc làm của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Chúng tôi yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt hành động sai trái nói trên”.
Chỉ nghe có một mình Lương Thanh Nghị “yêu cầu” thôi, các lãnh đạo chóp bu không có ý kiến. Lương Thanh Nghị cũng cho báo chí biết là Việt Nam đã trao kháng thư cho đại diện của sứ quán Trung Cộng ở Hà Nội.
Đại diện sứ quán là ai? Tại sao không nói rõ ra, đó có phải là đại sứ Khổng Huyễn Hựu hay một nhân viên nào đó? Vì có thể họ Khổng không muốn tiếp nhận kháng thư?
Theo nghi thức ngoại giao bình đẳng, thì Việt Nam phải triệu tập đại sứ Trung Cộng đến, tuyên bố phản đối rồi trao kháng thư. Nhật Bản và Philippines đã làm như thế. Tại sao không gọi đại sứ Khổng Huyễn Hựu đến, sạt cho một trận, rồi đưa kháng thư? Điều nầy chứng tỏ câu nói “Việt Cộng hèn với giặc, ác với dân” là đúng. Bằng chứng cụ thể là, hồi tháng 8 năm 2011, khi tân đại sứ Khổng Huyễn Hựu đến nhậm chức ở Việt Nam, thì trong vòng thời gian từ ngày 17-8-2011 đến 3-10-2011, sứ quán Trung Cộng cho biết, đã có hơn phân nửa ủy viên Bộ Chính Trị CSVN đã đến gặp mặt họ Khổng tại sứ quán số 46 đường Hoàng Diệu, Hà Nội. Đây là sứ quán nước ngoài gần Bộ Ngoại giao VN nhất, cũng gần Phủ Chủ tịch nước và gần trụ sở trung ương Đảng, ngay giữa quận Ba Đình, trung tâm thành phố Hà Nội.
Những cán bộ cao cấp từ Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thứ trưởng, các ủy viên TW Đảng như: Nguyễn Thiện Nhân, Phạm Bình Minh, Hồ Xuân Sơn, Tô Huy Rứa, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Vũ Huy Hoàng, Trung tướng Đặng Văn Hiếu, Đại tướng Lê Hồng Anh, Trung tướng Ngô Văn Dụ, Phạm Vũ Luân, Hoàng Tuấn Anh, Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Mạnh Hùng, Hoàng Bình Quân, Phạm Thanh Nghị, Đinh Thế Huynh… Việc nầy dư luận đặt ra câu hỏi: “Sứ quán hay Dinh thái thú?”
Lãnh đạo Đảng và nhà nước đến chúc mừng, vấn an rộn rịp đông nghẹt, thế nhưng công an và mật vụ vây kín toà đại sứ để ngăn chặn dân chúng, không cho đến gần, nhất là hai ngày cuối tuần, thứ bảy và chủ nhật. Điều nầy không đúng với lời tuyên bố như công thức của lãnh đạo Đảng là “Nhân dân Việt Nam luôn luôn nhớ ơn đảng và nhân dân Trung Quốc, quyết tâm kết chặt tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước…”
5.3.Trung Cộng ra lịnh cấm đánh bắt cá
Kể từ năm 1999 đến nay, năm nào Trung Cộng cũng ra lịnh cấm đánh bắt cá vào mùa hè ở khu vực Biển Đông. Năm nay, 2013, Bộ Nông Nghiệp Trung Cộng ra lịnh cấm kề từ 12 giờ ngày 16-5-2013 đến 12 giờ ngày 1-8-2013. (Gần 3 tháng)
Suốt 14 năm nay, mỗi lần Trung Cộng ra lịnh cấm, thì phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao VN đều tuyên bố phản đối, lần nào cũng nhai đi nhai lại như trả bài thuộc lòng những câu cũ rich như, Trung Cộng đã xâm phạm chủ quyền và quyền tài phán của VN, không phù hợp với Công Ước QT về Luật Biển…vân vân, và vân vân… Cuối cùng, kết luận “Lịnh cấm không có giá trị”. Vậy thế nào là lịnh cấm không có giá trị?
Trung Cộng đã nói, và đã làm. Đã ra lịnh, thì người vi phạm bị trừng phạt. Cụ thể là xua đuổi, bắt giữ, tịch thu ghe tàu, ngư cụ, tài sản, bắt giam và đòi đóng tiền phạt, thậm chí còn bắn giết ngư dân VN nữa. Thế mà VC bảo không có giá trị là sao? Chính kẻ cướp Trung Cộng đã chính thức công nhận hành động cướp của giết người đó, cho rằng đó là cần thiết và hợp lý để ngăn chặn việc đánh bắt cá, vi phạm lịnh cấm của họ. Thế nhưng đảng CSVN phản ứng ra sao?
Phản ứng của đảng CSVN




Suốt 14 năm qua, Việt Cộng chỉ đánh võ mồm bằng những tuyên bố của viên cán bộ hạng bét ở Bộ Ngoại Giao, bằng kháng thư, đồng thời Đảng tổ chức những cuộc họp bàn về việc hợp tác trên biển với Trung Cộng, những cuộc viếng thăm quan thầy và mời quan thầy TC sang chơi.
Ngày 20-3-2013, trong khi tàu cá Quảng Ngãi số QNg 96382 ST của chủ tàu Bùi Văn Phải, do thuyền trưởng Phạm Quang Thạnh điều khiển, đánh cá ở vùng biển Hoàng Sa của VN, bị bắn cháy, thì Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân hướng dẫn một phái đoàn sang viếng thăm lăng mộ của Tôn Trung Sơn nhân dịp lể kỷ niệm Cách mạng Tân Hợi của Trung Hoa. Ngày lễ của Tàu chả có ăn nhậu gì tới nhân dân VN, thế mà đảng CSVN sang đó làm gì? Trang mạng Quan làm báo cho biết, ông Nhân nầy sang cám ơn quan thầy đã sắp xếp cho đương sự được vào Bộ CT/CSVN.
Trong khi tàu cá VN bị bắn cháy thì đảng CSVN làm gì?
Đảng họp Hội Nghị BCH/TW đấu đá nhau tranh giành quyền lực để tham nhũng đuợc tồn tại. Nguyễn Bá Thanh không được cho vào BCT là bằng chứng tham nhũng thắng, đồng chí Ếch (X) thắng trận.
Ngày 14-5-2013, bản tin Giáo Dục Việt Nam nói rằng “Báo Trung Quốc thừa nhận sẽ từng bước tiến chiếm Trường Sa”. Bản tin viết tiếp “Tờ Văn Hối (TC) khẳng định, năm 2013 trở thành năm quan trọng của giao tranh giữa Trung Quốc và Việt Nam, Philippines với thế tiến công không ngừng”.
Lại có một tin đặc biệt của báo Tiền Phong (trong nước) là “đã có hàng trăm ngư dân Việt Nam đang làm thuê cho tàu cá Trung Quốc”. Có lẻ họ nghĩ rằng Trung Cộng sẽ bảo vệ được tánh mạng của họ, hoặc cho rằng, Trung Cộng hay Việt Cộng thì có khác gì đâu? Cũng là Cộng cả, mà Cộng cha thì khoẻ hơn Cộng con. Lãnh đạo VN xem như thái thú thôi!
Suốt 14 năm nay, nhà nước CSVN không có biện pháp cụ thể nào để bảo vệ ngư dân của mình cả. Ngư dân đề nghị những người VN bị giết trên biển sẽ được phong làm liệt sĩ, điều nầy có thể nhà nước dễ chấp nhận.
Vừa qua, trong dịp kỷ niệm 38 năm thống nhất đất nước (30-5-1975 – 30-4-2013) tướng Nguyễn Chí Vịnh tuyên bố một câu hết sức tào lao, làm tựa đề của các bài báo lề phải. Đó là “Việt Nam mua vũ khí vừa đủ bảo vệ Tổ quốc”.
Vậy thử hỏi thế nào là vừa đủ?
Có chiến lược gia nào dám khẳng định rằng Trung Cộng sẽ xử dụng bao nhiêu hỏa tiễn, phi cơ, tàu chiến, tàu ngầm… để đánh chiếm biển đảo của VN không? Vậy làm sao biết được số lượng bao nhiêu gọi là vừa đủ? Nguyễn Tấn Dũng cho biết “Việt Nam sẽ nhận đủ 6 tàu ngầm lớp Kilo vào năm 2016”, trong khi đó, Trung ộng đã có từ lâu 12 chiếc Kilo và đang xin mua 4 chiếc tàu ngầm hiện đại hơn là lớp Lada (Đề án 677) và 24 chiếc chiến đấu cơ Su-35 của Nga.
Ngoài ra, Trung Cộng đang có dự án thành lập Hạm Đội thứ tư ở Biển Đông, chuyên trách vùng biển hình lưỡi bò trong đó có HS/TS của VN. Các báo Want China Times, Focus Taiwan, Strait Times và Minh Báo (Hong Kong) cho biết Hạm đội nầy sẽ đóng tại Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam. Vậy bao nhiêu vũ khí mới vừa đủ?
Mua vũ khí và xử dụng vũ khí để bảo vệ Tổ quốc là hai việc hoàn toàn khác nhau. Mua vũ khí thì chỉ cần có tiền, trái lại chiến đấu bảo vệ lãnh thổ thì cần rất nhiều điều kiện mà đảng CSVN không bao giờ có đối với kẻ cướp Trung Cộng. Đó là thân phận làm nô lệ, được thể hiện qua câu “hèn với giặc, ác với dân”.
Trong quá khứ và hiện tại, tàu ngư chính Trung Cộng hộ tống hàng đoàn tàu cá của họ tràn vào vùng biển thuộc chủ quyền của VN, trái lại, nhà nước CSVN có bao giờ cho tàu của mình bảo vệ ngư dân VN không?
Philippines là một nước rất yếu so với VN, nhưng thái độ bảo vệ Tổ quốc của họ không khiếp nhược, hèn hạ, bợ đở kẻ thù một cách trơ trẻn như thế.
5.4. Việt-Trung họp bàn hợp tác trên biển


Trong khi ngư dân bị bắn giết vì vi phạm lịnh cấm đánh bắt cá của Trung Cộng, thì đảng CSVN tiếp tục tiến hành họp bàn việc hợp tác trên biển vòng thứ ba.
Thông tấn xã Việt Nam cho biết, Việt Nam và Trung Cộng vừa đàm phán vòng thứ 3 diễn ra từ ngày 22 đến 24-4-2013 tại Bắc Kinh. Những vấn đề thảo luận về việc hợp tác giữa hai nước trên vùng biển gồm có: bảo vệ môi trường biển, “nghiên cứu khoa học biển”, tìm kiếm và cứu vớt nạn nhân, phòng tránh thiệt hại trên biển.
Vòng đàm phán thứ tư sẽ được tổ chức vào cuối năm 2013 tại Việt Nam.
Phân tích bản tin
Bản tin không nói rõ hai nước hợp tác hoạt động trong vùng biển nào? Lẻ dĩ nhiên không phải là vùng biển thực sự thuộc quyền của Trung Cộng, vì VN không có đủ trình độ về mọi mặt mà Trung Cộng cần. Vậy thì, chỉ có việc Trung Cộng và VN hợp tác hoạt động trên “vùng lưỡi bò” ở Biển Đông mà thôi. Một khi đã chính thức cho tàu bè TC tự do hoạt động trong vùng biển của mình, thì CSVN đã gián tiếp cho rằng TC có chủ quyền trong vùng biển đó.
Hai nước bàn về việc hợp tác “nghiên cứu khoa học biển”. Tàu khựa có cần nghiên cứu với VN về khoa học biển của họ không? Hợp tác nghiên cứu trên biển Đông, vùng hình lưỡi bò, thì chỉ có việc dò tìm và khai thác dầu khí mà thôi.
Trung Cộng đã từng tuyên bố, tạm gác vấn đề chủ quyền qua một bên, hai nước sẽ hợp tác khai thác tài nguyên trong khu vực gọi là “đang tranh chấp”. Trung Cộng ngang nhiên đánh chiếm lãnh thổ Việt Nam, rồi cho đó là vùng tranh chấp, thế mà CSVN cũng chấp thuận và bàn việc hợp tác.
Tại sao Philippines và Nhật Bản không họp bàn việc hợp tác trên biển với Trung Cộng? Hợp tác “nghiên cứu khoa học biển” là gì? Đó là khoa học kỹ thuật thăm dò và khoan dầu là chủ yếu.
6* Hoa Kỳ khẳng định vẫn còn là một cường quốc ở châu Á Thái Bình Dương
Ngày 22-4-2013, tướng Martin E. Dempsey, Tổng Tham Mưu Trưởng (Chairman of the Joint Chiefs of Staff-CJCS) , tuyên bố tại Bộ Quốc Phòng Trung Cộng, là Hoa Kỳ vẫn còn là một siêu cường tại châu Á – Thái Bình Dương. Mạnh miệng lớn tiếng công khai tuyên bố như thế không phải là tuyên bố ẩu hoặc nói chơi cho vui miệng của một vị tướng đang đại diện Hoa Kỳ đến thăm nước nầy.

Hoa Kỳ vẫn còn là cường quốc số một trong 40 năm tới
Đó là bảng báo cáo của Học viện Khoa học Xã hội Trung Cộng CASS (Chinese Academy of Social Science-CASS).
Học viện nầy dự đoán, cho tới năm 2050 Trung Cộng có thể trở thành một cường quốc thứ hai, sau Mỹ.
Riêng về kinh tế, hiện nay Trung Cộng có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, và có thể trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, sớm nhất là vào năm 2030. Tuy nhiên, Giám đốc Viện CASS thông báo “Sức mạnh toàn diện của Trung Quốc tăng nhanh trên bảng xếp hạng trong 20 năm qua, nhưng chúng tôi lo ngại về cấu trúc và tính hiệu quả của nền kinh tế, vì nguy cơ phát triển không bền vững, vì chỉ ở chiều rộng mà thiếu chiều sâu.
Thông cáo của Viện CASS cũng cảnh báo, sức cạnh tranh của Trung Quốc không tương xứng với bảng xếp hạng khi so sánh chất lượng của nhân lực, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ và văn hoá.
Ví dụ, chỉ số về chất lượng nhân lực cao, hay đội ngũ khoa học kỹ thuật của Trung Quốc chỉ đạt 8.3% so với Mỹ, 10% so với Nhật, nghĩa là Mỹ 100% thì Trung Quốc chỉ có 8.3%. Điều nầy cho thấy khoảng cách quá xa giữa Trung Quốc so với Mỹ và Nhật.
Trong lãnh vục giáo dục thì Trung Quốc chỉ bằng 10% so với Liên Âu (EU), bằng 1/3 so với Mỹ, cụ thể như cả nước Mỹ có 239 viện khoa học công nghệ nổi tiếng, Trung Quốc chỉ có 61.
Về văn hoá, Viện CASS cho biết TQ xếp sau Liên Âu, Nhật và Mỹ. Ông Chen Shaofeng, Phó giám đốc Viện Văn hoá Công nghiệp của Đại học Bắc Kinh, khẳng định “Chúng ta cần phải tính tới sức mạnh cạnh tranh văn hoá của một quốc gia khi nói tới sức mạnh cạnh tranh của quốc gia”.
Tóm lại, sự phát triển kinh tế của Trung Cộng chỉ phát triển ở chiều rộng mà thiếu chiều sâu nên đưa đến sự phát triển không ổn định. Kinh tế thị trường tự do phát triển thì dân giàu, nước mạnh. Trái lại, kinh tế quốc doanh phát triển mà nhà nước xử dụng thu nhập trên tổng sản lượng quốc gia để mua sắm vũ khí, thì nước mạnh mà bỏ dân chết đói. Khi nước mạnh về quân sự thường đưa đến chiến tranh, dân chết, quốc gia lâm vào thảm họa, như Đức Quốc Xã và Quân phiệt Nhật trong thế chiến 2.
7* Hoa Kỳ quyết ăn thua đủ với Trung Cộng
7.1. Hoa Kỳ thành lập cơ quan tình báo bí mật chuyên trách về Trung Cộng
Ngày 23-4-2012, cơ quan Tình Báo Quốc Phòng DIA (Defense Intelligence Agency) Hoa Kỳ thành lập thêm
một bộ phận tình báo bí mật DCS (The Defense Clandestine Service-DCS) chuyên trách về các hoạt gián điệp bí mật chống lại mục tiêu cao nhất là Trung Cộng và sau đó là Iran. Hoạt động chính của cơ quan DCS là mở rộng lãnh vực ra ngoài những hoạt động quân sự, chiến thuật, chiến lược của chiến tranh, mà đi sâu vào lãnh vực đời sống, nhân khẩu và chính trị.
Cơ quan DCS phối hợp hoạt động chặt chẽ với Tình Báo Trung Ương CIA (Central Intelligence Agency) và với Bộ Tư Lịnh Hỗn Hợp Đặc Biệt Hải Ngoại để thúc đẩy các hoạt động tình báo toàn diện chống lại Trung Cộng và Iran.
Nhân sự của DCS bao gồm những chuyên viên quân sự của Bộ Quốc Phòng và chuyên viên dân sự của CIA. Tình báo thế giới hiện nay đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa CIA và DIA, vì thế, bộ trưởng Quốc Phòng HK Leon E. Panetta nguyên là giám đốc CIA, và tướng 4 sao David H. Petraeus được bổ nhiệm vào chức giám đốc CIA trước đây.
Thứ trưởng Quốc phòng đặc trách tình báo quân sự Michael Vickers được biết đến là kiến trúc sư rất thành công trong chương trình CIA trang bị quân sự cho lực lượng Afghanistan chống Liên Xô những năm 1980.
Trái lại, riêng bản thân CIA đã thất bại trong kế hoạch quân sự đưa người Cuba lưu vong đổ bộ Vịnh Con Heo (Bay of Pigs) của Cuba năm 1960.
Trên thực tế, đã có những thời kỳ hai cơ quan CIA và DIA không hợp tác chặt chẽ với nhau vì đã dẫm chân nhau trong công tác, vì thế sau cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001, Bộ An Ninh Nội Địa DHS (The United States Department of Homeland Security) được thành lập năm 2003 để khắc phục sự không thống nhất giữa các cơ quan tình báo, cụ thể là tổng hợp và phân tích nguồn tin của 22 cơ quan tình báo khác nhau, chủ yếu là CIA và FBI (Federal Bureau of Investigation).
Bộ DHS nầy liên lạc trực tiếp với Hội Đồng An Ninh Quốc Gia ở Toà Bạch Ốc. Bộ trưởng là bà Janet Napolitano.
Việc thành lập cơ quan tình báo bí mật CDS có ảnh hưởng đến mấy trăm nhân viên tình báo quốc phòng DIA đang làm việc ở nước ngoài, có khoảng 15% nhân viên DIA được chuyển sang CDS.
Trung tướng Michael T. Flynn, người trước đây đã chỉ trích gay gắt hoạt động tình báo Mỹ ở Afghanistan là quá tập trung vào quân sự mà bỏ qua các vấn đề nhân khẩu, đời sống và chính trị rộng lớn trên chiến trường Afghanistan. Tướng Flynn được cử làm giám đốc DIA, kiêm nhiệm chỉ huy tổ chức mới thành lập DCS nầy. Như vậy cho thấy, Hoa Kỳ rất quan tâm và quyết ăn thua đủ với Trung Cộng.
7.2. Hoa Kỳ đưa vũ khí hiện đại nhất đến kềm chế Trung Cộng
Để siết chặt gọng kềm quân sự, Mỹ triển khai phi cơ và tàu chiến tối tân nhất đến quyết định ăn thua đủ với Trung Cộng.
- Phi cơ ném bom chiến lược tàng hình, tốc độ siêu âm B-2 Spirit có khả năng ném bom nguyên tử nhiệt hạch (Thermonuclear bomb) B61-12
- Phi cơ chiến đấu đa năng, tàng hình thế hệ 5 duy nhất hiện nay là hai loại F-22 Raptor và F-35 Lightning II. Phi cơ vận tải cánh xoay MV-22 Osprey, phi cơ săn tàu ngầm Boeing P-8 Poseidon, phi cơ chiến tranh điện tử EA-18G Growler…
- Tàu tác chiến tấn công ven bờ, tàng hình LCS (Litteral Combat Ship) Freedom, siêu hạm tàng hình Zamwalt DDG-1000, tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia, phóng hoả tiễn điều khiển hành trình và đạn đạo.
- Cộng thêm 6 hàng không mẫu hạm, Hoa Kỳ trở thành một sức mạnh trấn áp Trung Cộng.
Biết yếu thế, nhân lúc Tập Cận Bình viếng Nga, đài truyền hình trung ương Trung Cộng phát tin, Tập Cận Bình đã ký một thoả thuận mua 24 phi cơ tiêm kích Su-35 và 4 tàu ngầm hiện đại hơn lớp Kilo, là lớp Lada (Đề án 677).
Chiều ngày 25-3-2013, chỉ ít giờ sau, hãng thông tấn Nga ITAR-TASS đã lập tức tuyên bố bác bỏ thông tin nầy, không có việc bán vũ khí nào cả, vì Nga lo ngại Trung Cộng sẽ làm hàng nhái, như đã làm đối với nhiều loại phi cơ, từ MiG thời Liên Xô đến loại Sukhoi sau nầy. Một lần nữa, Tập Cận Bình bị mất mặt vì Trung Cộng có thành tích ăn cắp kỹ thuật.
So sánh lực lượng quân sự giữa Mỹ và Trung Cộng, tác giả Lý Đại Nguyên viết “Mèo Mỹ vờn chuột Trung Cộng” như vậy, đó là tương quan giữa mèo và chuột.
7.3. Bao vây kinh tế Trung Cộng bằng Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương
Về kinh tế, Hoa Kỳ đang xúc tiến thành lập một vòng đai bao vây Trung Cộng bằng Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP (Trans-Pacific Partnership-TPP) để tiến tới việc thành lập một thị trường tự do rộng lớn đưa đến miễn thuế quan và bỏ các rào cản. Mười bốn nước đang đàm phán là: Singapore, Chile, New Zealand, Brunei, Hoa Kỳ, Úc, Peru, Malaysia, Việt Nam, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Canada, Philippines. Trung Cộng bị gạt ra khỏi tổ chức nên sẽ bị thiệt thòi đưa đến mất thị trường, vì chủ yếu kinh tế Trung Cộng là xuất khẩu, thị trường ngoại quốc.
Bộ mặt Trung Cộng càng thêm hoen ố khi họ từ chối trách nhiệm đã gây tổn hại đến tánh mạng và sức khoẻ của hàng hoá và sản phẩm do họ xuất cảng tràn lan trên thế giới. Theo phúc trình của Rapex, thanh tra Liên Âu đã phát hiện sản phẩm độc hại Trung Cộng tăng 26% trong năm 2012. Trong cuộc trưng bày 2,278 mặt hàng nguy hiểm mới đây ở Liên Âu, về nón bảo hiểm của Trung Cộng, chỉ cần một cú đấm nhẹ thì bể làm đôi, phao tắm làm cho trẻ em bị kẹt dưới nước khi xoay mình, ổ điện phát cháy khi nối dây dài, quần áo tẩm chất độc hoá học…
Gian lận và buôn bán bất lương đã làm hoen ố thêm bộ mặt của Trung Cộng.
8* Kết luận


Bộ mặt của Trung Cộng càng bẩn hơn nữa mỗi khi có một nhà sư Tây Tạng tự thiêu để đòi độc lập, mỗi khi có một ngư dân Việt Nam bị bắn chết và bị cướp tài sản. Người dân châu Phi đã nhận ra bộ mặt gian tham với ý đồ chiếm đoạt tài nguyên của đất nước họ, Trung Cộng đã ủng hộ và viện trợ vũ khí để các nhà độc tài đàn áp họ. Từ nhiều năm qua, những vụ chống đối và tẩy chay liên tục xảy ra ở nhiều nơi. Làn sóng phản đối bằng bạo lực xảy ra ngày càng cao, các công nhân phản đối chủ đầu tư người Tàu, và ngày 4-8-2012, các công nhân thợ mỏ nổi giận giết chết viên giám dốc Tàu khựa tên Wu Shengzai, 50 tuổi, tại mỏ than Collum Coal thuộc tỉnh Sinazongwa, nam Zambia. Tuần trăng mật Trung Cộng-Phi châu đã chấm dứt.
Năm 2008, Trung Cộng một lần bị mất mặt khi đạo diễn đoạt giải Oscar, Steven Spielberg, từ chối làm cố vấn thực hiện chương trình Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008, vì Trung Cộng vi phạm nhân quyền.
Với những khó khăn nội bộ không giải quyết được, như cái giá phải trả cho việc phát triển công nghiệp là nạn ô nhiễm, lại bị bao vây quân sự và kinh tế, Trung Cộng còn lâu mới trở thành cường quốc số một được.
Một nhà nghiên cứu nước nầy cho biết, Trung Cộng cần phải thi hành chính sách lương thiện, thêm bạn bớt thù, thì mới hy vọng hội nhập hài hoà vào cộng đồng thế giới được.
Trúc Giang
Minnesota ngày 26-5-2013


Nam Yết chuyển

No comments: