Tuesday, March 26, 2013

Washington sẽ hiện diện lâu dài ở châu Á _NgV



Đã có những dư luận theo kiểu “lo bò trắng răng” khi nói về sự (có vẻ) buông lỏng chiến lược châu Á của Ngoại trưởng John Kerry hay những ảnh hưởng của chiến lược này có thể gặp phải trước tình hình ngân sách quốc phòng Mỹ bị cắt giảm. Tuy nhiên, Washington sẽ không thể và không bao giờ từ bỏ kế hoạch “đồn trú” tại châu Á, bởi nhiều lý do…
Từ những mâu thuẫn nội bộ

left align image

Chính sách phát triển quốc phòng của Bắc Kinh khiến Mỹ bám chặt sâu hơn nữa ở châu Á!

Vấn đề cắt giảm ngân sách quốc phòng Mỹ đã và tiếp tục tạo ra những cuộc tranh luận tóe lửa trong nội bộ chính giới Hoa Kỳ. Sự mâu thuẫn không chỉ tồn tại trong Quốc hội (giữa Cộng hòa và Dân chủ) mà cả ở Ngũ Giác Đài. Trong thực tế, Mỹ là nước chi nhiều nhất cho quốc phòng (hơn tất cả các nước trên thế giới cộng lại!). Từ năm 1998 đến 2011 (theo Jill Lepore trong bài viết trên New Yorker 28/1/2013), ngân sách quốc phòng Mỹ đã tăng gấp đôi, lên hơn 700 tỉ USD/năm, mà nếu tính theo tỉ giá USD được điều chỉnh, là nhiều hơn bất cứ giai đoạn nào kể từ Thế chiến thứ II.
Năm 2011, Đạo luật kiểm soát ngân sách ra đời, nâng trần nợ và tạo ra cái gọi là “vách đá tài chính” cũng như việc thành lập Ủy ban hỗn hợp về cắt giảm thâm hụt với kế hoạch cắt 487 tỉ USD chi tiêu quốc phòng trong 10 năm. Sự xiết lại ngân sách quốc phòng, tất nhiên là một phần trong những động thái điều chỉnh cần thực hiện trước tình hình suy thoái kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, điều này đã tạo ra làn sóng tranh cãi gay gắt, đặc biệt từ tháng 1/2011, khi phe Cộng hòa chiếm quyền kiểm soát Hạ viện (và Ủy ban Quân vụ Hạ viện bắt đầu nằm dưới sự điều khiển của dân biểu Howard P. McKeon).

Kiên quyết chống việc cắt giảm quốc phòng, McKeon đã được ủng hộ của không ít tướng hưu. Cựu Đô đốc Edmund P. Giambastiani (Phó tổng tham mưu trưởng từ 2005-2007) đã so sánh việc “bóp bụng” chi tiêu quốc phòng với việc “thực hiện ca phẫu thuật não bằng cái cưa xích”; trong khi cựu Đại tướng Không quân Richard B. Myers (Tổng tham mưu trưởng 2001-2005) nói rằng: “Thế giới ngày nay đang trở thành nơi nguy hiểm và bất an hơn bao giờ hết trong nhiều thập niên”.
Tại Guam, Tư lệnh trưởng Không quân Thái Bình Dương Herbert Carlisle nhận định, việc cắt giảm ngân sách quốc phòng có thể “đe dọa vai trò Mỹ như một cường quốc”, trong bối cảnh Trung Quốc “tiếp tục tăng cường xây dựng quân đội, đặc biệt hải quân” (AP 1/3/2013)... Sự phức tạp của những tranh luận liên quan cắt giảm quốc phòng còn tạo ra mâu thuẫn ngay trong nội bộ Cộng hòa. Ở phe chống cắt giảm, như đã nói, là Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Howard P. McKeon; bên phe ủng hộ, lại là Chủ tịch Hạ viện John A. Boehner và thủ lĩnh phe đa số trong Hạ viện Eric Cantor (New York Times 26/1/2013)!
Ngũ Giác Đài còn thực tế “sát sườn” hơn. Theo tác giả David Alexander (Reuters 1/2/2013), Lầu Năm Góc cho biết, có đến gần 1/4 trong ngân sách 613,9 tỉ USD được ông Barack Obama chuẩn y cho năm tài khóa 2013 là dành trả lương cho lính tráng và 12% nữa là cho nhân viên dân sự. Tổng cộng, tiền lương cho toàn bộ guồng máy nhân sự Bộ Quốc phòng Mỹ chiếm khoảng 220 tỉ USD!
Theo một nghiên cứu gần đây, tiền lương riêng với cánh quân sự đã tăng 46%/người từ 2001-2011. Nếu tiếp tục tăng theo tỷ lệ này trong khi ngân sách bị giảm, chỉ nội chi phí cho nhân sự đã ngốn hết toàn bộ ngân sách quốc phòng Hoa Kỳ vào năm 2039! Có thể thấy rằng, việc cắt giảm ngân sách quốc phòng không chỉ ảnh hưởng đến những yếu tố to tát như chiến lược hay kế hoạch nghiên cứu - phát triển vũ khí thế hệ mới mà còn liên quan những vấn đề rất… “bơ và bánh mì”. (ý nói những vấn đề thiết thực)

left align image

Mỹ sẽ không từ bỏ châu Á

Nhìn vào những lộn xộn nội bộ nước Mỹ quanh vấn đề ngân sách quốc phòng có thể khiến người ta “phân tâm” và đặt ra câu hỏi rằng, liệu Mỹ có sớm từ bỏ châu Á, đặc biệt khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không còn bà Hillary Clinton. Thật ra thì “cuộc vui” chỉ mới bắt đầu không lâu, còn hứa hẹn nhiều màn gay cấn và như vậy, Mỹ khó có thể đứng dậy giữa chừng bỏ ngang bàn tiệc. Việc cắt giảm ngân sách quốc phòng thật ra có thể mang lại vài ảnh hưởng tích cực, chẳng hạn Mỹ sẽ tập trung đầu tư hơn vào những yếu tố thật sự mang tính chiến lược. Mỹ hiện vẫn duy trì 80.000 quân tại Hàn Quốc và Nhật Bản.
Đầu tháng 3/2013, Mark Lippert, Thứ trưởng Quốc phòng đặc trách Châu Á - Thái Bình Dương (nguyên Chánh văn phòng Hội đồng An ninh quốc gia) nói rằng “mọi thứ đều đã đặt lên bàn”, xét về những gì nên duy trì và cần cắt giảm, mục tiêu hướng đến vẫn là tăng cường sự hiện diện Hải quân Mỹ tại khu vực lên 60% vào năm 2020, so với 50% hiện tại; cũng như tăng số chiến đấu cơ tại “vùng trời nhiệt đới châu Á” vào năm 2017.
Bắt đầu từ tháng 4/2013, việc triển khai 2.500 lính thủy quân lục chiến Mỹ tại bắc Australia sẽ bắt đầu thực hiện, trong khi trung tuần tháng 3/2013, chiếc tàu chiến cận duyên hiện đại đầu tiên, USS Freedom, đã cập bến Trân Châu cảng để từ đó được điều động sang Singapore. Ngày 12/3/2013, Tổng thống Barack Obama cũng nói rằng, Washington cam kết đưa vấn đề tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc và các nước láng giềng tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á và Đông Nam Á - Mỹ tổ chức tại Brunei vào tháng 10 tới...
Vấn đề không chỉ thuần túy địa chính trị liên quan vai trò và sự thể hiện cần có của một cường quốc được thiết lập, đối với một nước mới nổi ngo ngoe nhận mình là “cường quốc”, mà còn là những yếu tố rất thực tế liên quan kinh tế, tại một khu vực vẫn còn nhiều hứa hẹn phát triển và đặc biệt tiềm năng năng lượng. Theo David Brown (Asia Times 12/3/2013), tháng 1/2013, Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) đã đưa ra báo cáo cập nhật về trữ lượng dầu khí tiềm năng ở Biển Đông, cho biết vùng biển này có khoảng 11 tỉ thùng dầu và 5.380 tỉ m3 khí.
Trong khi đó, theo thống kê thường niên của Hãng BP, Trung Quốc tiêu thụ 3,5 tỉ thùng dầu và lượng khí tương đương 800 triệu thùng vào năm 2011. Đến trước năm 2030, theo BP, nhu cầu dầu và nhiên liệu lỏng của Trung Quốc sẽ tăng 70%, lên đến 6 tỉ thùng/năm (nhỉnh hơn Mỹ một chút). Và trong khi Mỹ bắt đầu có thể ổn định nguồn dầu - khí, Trung Quốc lại lệ thuộc hẳn từ bên ngoài. EIA dự báo, đến năm 2035, Trung Quốc sẽ nhập 75% dầu; và nhu cầu khí sẽ tăng từ 127 tỉ m3 lên 311 tỉ m3, với 1/3 trong đó là nhập qua hệ thống ống dẫn hoặc dưới dạng khí thiên nhiên hóa lỏng.
Năm 2010, Cơ quan Địa chất Hoa Kỳ (USGS) ước tính, bên dưới nhiều khu vực (đảo) đang tranh chấp tại biển Đông, có khoảng 16 tỉ thùng dầu và 4.105 tỉ m3 khí (tương đương 25 tỉ thùng), trong đó có 2,5 tỉ thùng dầu và khoảng 707 tỉ m3 khí (tương đương 4,6 tỉ thùng) mà USGS cho rằng đang nằm bên dưới khu vực quần đảo Trường Sa của nước ta. Trong khi đó, Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC), trong báo cáo vào tháng 11/2012, tin rằng Biển Đông có đến 125 tỉ thùng dầu và lượng khí tương đương 93 tỉ thùng...
Bất luận rằng Trung Quốc có nói “vống” lên về trữ lượng dầu khí hay không (theo lối xảo biện mà họ là tay tổ) để tự cho phép “thế thiên hành đạo”, biến Biển Đông thành cái ao riêng thì việc Biển Đông đang ẩn chứa một trữ lượng lớn dầu khí vẫn là sự thật - một sự thật rất rõ đến nỗi Washington không thể không nhìn thấy nguy cơ mà những tập đoàn dầu khí khổng lồ của họ, vốn là những “hữu hảo” truyền thống trong các cuộc vận động gây quỹ tranh cử ở Mỹ, chịu đứng ngoài cuộc nhìn giàn khoan Trung Quốc tung hoành ở Biển Đông.

Quốc phòng và kinh tế nước Mỹ

left align image

Lockheed Martin là nguồn đóng góp tài chính đáng kể cho Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Howard P. McKeon!
Cũng liên quan đến sự ảnh hưởng của các tập đoàn, không thể không nhắc đến những tập đoàn vũ khí khổng lồ. Lịch sử Mỹ đã cho thấy mùi khói súng ảnh hưởng đến chính trường như thế nào. Tháng 5/1941, thượng nghị sĩ Cộng hòa Robert Taft cảnh báo rằng, sự tham chiến Thế chiến thứ hai có thể dẫn đến việc Mỹ phải “duy trì một lực lượng cảnh sát tại Đức và khắp châu Âu…; trong khi thành thực mà nói thì người Mỹ không hề muốn cai trị thế giới và cũng chẳng đủ điều kiện để làm điều đó. Cái lối đế quốc chủ nghĩa như vậy rõ ràng hoàn toàn lạ lẫm với lý tưởng về dân chủ và tự do của chúng ta”. Cách nhìn “đại cuộc” như vậy của Taft đã khiến ông ba lần thất bại trong việc giành quyền tranh cử tổng thống!
Ở Mỹ, việc “có tư tưởng chống lại” giới chủ vũ khí đều có thể mang lại hậu quả liên quan sự nghiệp chính trị; và điều này thể hiện càng rõ vào thời điểm sau Thế chiến thứ II, khi mà mùi thuốc súng vẫn còn váng vất trong hành lang Quốc hội Hoa Kỳ. Năm 1947, trong một phiên điều trần Thượng viện (liên quan cắt giảm quốc phòng thời hậu chiến), người ta đã thấy sự hiện diện (với phát biểu chống đối) của viên tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Vũ khí Lockheed, nơi đóng góp đáng kể cho chiến thắng của Hoa Kỳ nói riêng và phe Đồng minh nói chung trong Thế chiến thứ II (Lockheed được thành lập từ năm 1912; sau này sáp nhập với Hãng Martin Marietta và đổi thành Lockheed Martin năm 1995).
Đến nay, trọng lượng tiếng nói Lockheed Martin vẫn ít nhiều ảnh hưởng đến chính sách quốc phòng Mỹ (và từ đó ảnh hưởng đến phần nào chính sách ngoại giao). Theo William D. Hartung trong quyển Prophets of War: Lockheed Martin and the Making of the Military-Industrial Complex (dẫn lại từ New Yorker 28/1/2013), các hợp đồng Lockheed Martin với Lầu Năm Góc hiện chiếm khoảng 30 tỉ USD/năm; và tập đoàn này chi đến 15 triệu USD/năm cho các chiến dịch vận động hành lang cũng như hỗ trợ quỹ tranh cử.
Chính tập đoàn này là nguồn đóng góp lớn nhất cho cuộc vận động gần đây nhất của chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Howard P. McKeon, người cầm cờ chống lại việc cắt giảm ngân sách quốc phòng! Lockheed Martin cũng đóng góp cho quỹ tranh cử của 9 trong 12 thành viên thuộc các Tiểu ban quân vụ Hạ viện; 51 trong 62 thành viên Ủy ban Quân vụ Hạ viện; 24 trong 25 thành viên Tiểu ban Bộ binh và Không quân chiến thuật thuộc Ủy ban quân vụ Hạ viện; 386 trong 435 thành viên của Quốc hội khóa 112.
Với Mỹ, “quốc phòng” không chỉ là vấn đề bảo vệ lợi ích (lãnh thổ) quốc gia mà còn là bảo vệ lợi ích tổng thể kinh tế trong đó có kinh tế nội địa. Ở một nước mà công nghiệp vũ khí chiếm tỉ trọng đáng kể đến kinh tế quốc gia, thật khó lòng bàn đến việc cắt giảm ngân sách quốc phòng mà quên đi những biến động ảnh hưởng kinh tế trong nước mà nó mang lại. Trong phóng sự đề tài này, cây bút W. J. Hennigan (Los Angeles Times 28/2/2013) cho biết, chỉ riêng bang California (nơi tập trung công nghiệp hàng không quốc phòng) đã bị mất đến 3,2 tỉ USD, khi thỏa thuận giữa Nhà Trắng và Quốc hội thất bại dẫn đến việc cắt giảm ngân sách tự động vào đầu tháng 3/2013.
Cần biết, ngành công nghiệp hàng không quốc phòng California hiện sử dụng đến hơn 162.000 người, trong tổng cộng 1 triệu người của ngành công nghiệp không gian quốc phòng toàn nước Mỹ… Do đó, sự cân nhắc giữa việc cắt giảm ngân sách quốc phòng với mức độ ảnh hưởng của nó đối với vấn đề công ăn việc làm người dân nước Mỹ chắc chắn sẽ được tính đến. Mà tính như thế nào?
Sẽ có phương án “bù lỗ” bằng cách tiếp tục “đồn trú” ở châu Á, tiếp tục hỗ trợ tăng cường quốc phòng cho các đồng minh châu Á trước “mối đe dọa tăng dần của Trung Quốc” để từ đó bán vũ khí cho họ... Cho nên, sự hoang mang rằng ngân sách quốc phòng Mỹ bị giảm sẽ khiến Mỹ đuối sức và thả lỏng châu Á cho Trung Quốc, cuối cùng chỉ là một nỗi sợ mơ hồ. Mỹ sẽ không thể “nhổ neo” khỏi châu Á, không thể từ bỏ thị trường vũ khí châu Á đang bùng nổ từng ngày! Cái lợi ích kinh tế rất đáng kể này đối với nước Mỹ, đang được “nhiệt tình hỗ trợ” bằng chính cái chính sách quân sự hóa của Bắc Kinh!
N.T. (Petrotimes)


Nam Yết chuyển

No comments: