Saturday, March 23, 2013

Vấn nạn lớn về người lao động Tàu tại VN

01-_Tau_hai_giam_262_cua_TQ.jpg
Tàu Hải giám 262 của Tàu áp sát tàu cá QNg96382TS trên vùng biển Hoàng Sa hôm 13-3. Ảnh: Hinews.cn.

Văn Quang – Viết từ Sài Gòn

Những băn khoăn, bất bình và không kém phần hài hước về những luật lệ và quy định mới toanh tại VN, còn nhiền chuyện cần phải bàn, xin để bàn sau. Trước mắt, trong thời gian này là chuyện người lao động Trung Quốc (TQ) đã và đang xâm nhập vào hầu hết các công trình, các nhà máy, xí nghiệp từ Bắc vào Nam. Trong khi đó tại biển Đông, bọn bành trướng Bắc Kinh vẫn không ngừng xâm lấn chiếm đóng những hòn đảo vốn thuộc chủ quyền của VN, man rợ hơn chúng thẳng tay khủng bố, bắt giữ, chém giết ngư dân VN kiếm sống trên lãnh hải nước mình.
 
Trung Quốc ngày càng hung hãn trắng trợn hơn tại biển Đông
Thời gian gần đây, TQ tiến hành một loạt các hoạt động tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, trong đó có việc phê duyệt thành lập đài phát thanh và truyền hình của cái gọi là “thành phố Tam Sa” và đài truyền hình vệ tinh “Tam Sa”; cử Biên đội tàu Hải giám 83 cùng trực thăng Hải giám B-7103 và các tàu Hải giám 262 và 263 tiến hành tuần tra tại khu vực quần đảo Hoàng Sa.
Theo Tân Hoa xã, hai tàu cá của người dân Việt Nam mang số hiệu QNg 96417TS và QNg 96382TS đã bị hai tàu hải giám 262 và 263 xua đuổi khỏi vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam. Hành động này được chính một phóng viên Tân Hoa xã có mặt trên tàu hải giám Trung Quốc tường thuật. Hãng tin nhà nước Trung Quốc cho hay hai tàu cá Việt Nam bị xua ra khỏi vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa vào lúc 10 giờ (9 giờ, giờ Việt Nam) sáng 13-3 vừa qua.
Theo tin từ truyền thông Trung Quốc, cùng với tàu hải giám 83 và trực thăng hải giám B-7103, hai tàu 262 và 263 đang thực hiện hoạt động tuần tra phi pháp tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Thông tin được chính truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa ra là bằng chứng không thể chối cãi về các hoạt động vi phạm chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa.
Tin cho biết, chiếc tàu có tải trọng 1,500 tấn này đã đến khu vực quần đảo Trường Sa vào hôm 18 tháng Ba mà theo lời Trung Quốc là để  “làm công tác khảo sát khoa học”, nhưng không nói rõ là công tác gì. Và ngày 20-3, Hải quân Trung Quốc vừa bắt đầu cuộc diễn tập xa bờ trên Biển Đông và khu vực tây Thái Bình Dương với 4 tàu chiến hạng nặng. Các hoạt động quân sự, đặc biệt là hải quân, của Trung Quốc thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, trong bối cảnh Trung Quốc đang có các tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng ở các vùng Biển Đông và Hoa Đông. Phải chăng là một cuộc phô trương sức mạnh bành trướng?
Cái mộng bá quyền của TQ không còn lừa bịp được ai trên toàn thế giới này nữa. Với tình hình này, người Việt chúng ta đang phải đối đầu với nguy cơ “thù trong giặc ngoài” rất rõ, không còn nghi ngờ gì nữa. Dù ai “nói Đông  nói Tây”, dù vì lý do ngoại giao hay bất cứ thứ lý do nào khác, người VN bây giờ luôn đề phòng hiểm họa xâm lăng cực kỳ thâm độc đó. Bốn chữ vàng “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, bây giờ đã trở thành một trò cười lố bịch nhất thời đại. Và khẩu hiệu 16 chữ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng đến tương lai” đã đánh rơi mặt nạ, trơ ra bộ mặt trâng tráo phản bội, hướng đến mục đích thôn tính anh “đồng chí tốt” láng giềng, chưa nói đến toan tính cả những nước khác như Phillippines, Malaysia, Thái Lan, Singapore…
Trở về đất liền của VN, TQ còn có những âm mưu đen tối hơn, không từ một thủ đoạn nào không làm. Thế nhưng rất tiếc vẫn còn có một vài địa phương tỏ ra quá thờ ơ hay quá “ngây thơ” với những thủ đoạn này.
 
Chuyện hai năm trước đến nay vẫn giống y chang
Bất kỳ một người VN nào dù ở trong nước hay ngoài nước đều nhìn rất rõ tham vọng của tập đoàn lãnh đạo TQ dù cũ hay mới, chúng vẫn đi theo một con đường như nhau. Vậy mà ở một số nơi, người lao động TQ vẫn có mặt và vẫn hoành hành ngang dọc, vì lọt sổ, ví quản lý quá yếu kém hay được quan chức một số địa phương “ưu ái” vì lẽ này hay lý khác?!
Tôi thật sự ngạc nhiên đến kinh ngạc với những tin tức nóng hổi trong tuần này về tình trạng những người lao động TQ hiện nay đang có mặt tại Phú Yên (miền Trung) và tại huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng).
Tôi kinh ngạc bởi cách đây hơn 2 năm, dư luận tại VN đã lên án mạnh mẽ về vấn đề này, từ chuyện có tới cả ngàn người lao động làm việc tại nhà máy phân đạm Cà Mau là lao động “chui’, không cần thông hành, không xin phép, qua mặt nhà chưc trách tỉnh này dễ như đi chơi phố. Và tôi cũng đã có bài trả lời độc giả một số báo, nêu ra trường hợp cụ thể về hơn 200 lao động TQ có mặt tại Khu công nghiệp (KCN) Long Giang thuộc huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang cùng những hệ lụy của nó như dùng tiền làm hư con gái mới lớn, đánh nhau với lao động Việt khiến quê nghèo trở nên xáo trộn, làm tan nát nhiều gia đình đang êm ấm.
Tưởng rằng các địa phương đã nhìn thấy hiểm họa khôn lường đó, ngăn chặn đến nơi đến chốn tình trạng này, không còn có thể xảy ra thêm một lần nào nữa.
Vậy mà giờ đây tình trạng này vẫn còn xảy ra đúng như “bi hài kịch” tôi đã tường thuật với bạn đọc ngày 2 năm trước (ngày 18-8-2011). Lúc đó tôi chỉ trả lời độc giả của một hai tờ báo tôi cộng tác thường xuyên, nay tôi nhắc lại những vấn đề chính để nhiều bạn đọc cùng biết và so sánh.

Quê nghèo xáo trộn vì người lao động TQ
Trước hết mời bạn đọc nguyên văn bi hài kịch có thật sau đây ở một thôn xóm nghèo nay biến thành Khu Công Nghiệp do TQ làm chủ. Chuyện xảy ra từ những năm 2010.
Từ khi bắt đầu khởi động việc xây dựng, KCN Long Giang đã có rất nhiều công nhân người TQ đến làm việc. Hơn 200 lao động TQ có mặt tại Khu công nghiệp (KCN) Long Giang thuộc huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang, dùng tiền làm hư con gái mới lớn, làm tan nát nhiều gia đình đang êm ấm, đánh nhau với lao động Việt khiến quê nghèo trở nên xáo trộn.
Nhiều chị em đã có chồng, thấy mấy anh công nhân người nước ngoài này vừa đẹp trai vừa có tiền liền đem ra bàn cân để so sánh với chồng. Đó là mở đầu cho bi kịch của nhiều gia đình. Còn mấy cô gái trẻ cũng mê tít mấy tay công nhân ngoại quốc này, mặc cho thiên hạ dèm pha, chê bai… Và đây là chuyện có thật
 
Gái 1 con, bỏ chồng theo anh Tàu đáng tuổi ông nội
Chị T - sinh năm 1986, cao 1,73m với làn da trắng ngần, được coi là hoa khôi của xã Tân Lập 1 (huyện Tân Phước). 20 tuổi, chị yêu anh V - công nhân gần nhà, chỉ vì anh hiền lành, ăn nói có duyên. Cưới nhau được đầy năm, gia đình nhỏ của họ có thêm đứa con trai bụ bẫm, cuộc sống gia đình càng đầy ắp tiếng cười. Khi KCN Long Giang bắt đầu hoạt động, anh V mở quán cà phê , chị T bán thêm rượu bia và vài món ăn bán cho khách.
Trong nhóm công nhân kỹ sư người Trung Quốc là “mối ruột” của quán, có một người đàn ông dáng cao lớn, bệ vệ, gần 60 tuổi luôn hào hứng “chi đẹp” khi chị T ra tính tiền. Chỉ sau một tháng người đàn ông này ghé quán, chị T chuyển từ chiếc xe gắn máy Tàu sang xe tay ga Air Blade nhập khẩu từ Thái với giá lên đến hơn 60 triệu đồng.
Anh V gặng hỏi, chị T mặt nặng mày nhẹ bóng gió chê chồng lâu nay bất tài nên chị thua thiệt với người ta. Và chiếc xe này là “quà tặng” làm quen của một người đàn ông ngoại quốc vì khen chị nấu ăn ngon!
Đến khi anh V phát hiện vợ mình “tòm tem” với gã kỹ sư đáng tuổi ông nội, anh mới ngã ngửa khi lâu nay không để ý tới những biểu hiện khác thường của vợ. Lúc này chị V ném lá đơn ly hôn ra bắt anh ký và... đuổi anh khỏi nhà.
Thương vợ, thương con, anh V cố nhịn nhục và hứa cố gắng làm thật chăm chỉ để vợ con sung sướng. Thế nhưng, anh V càng xuống nước năn nỉ chị T càng coi thường chồng. Chị công khai qua lại với gã đàn ông kia mà không cần biết tâm trạng của chồng mình ra sao.
Uất ức, anh V canh vợ chạy xe trên đường rồi cho xe tông vào để “cả hai cùng chết”. Cú tông khá mạnh, cả hai phải vào bệnh viện cấp cứu. Cả hai không chết, khi ra bệnh viện, anh V đồng ý ly hôn và dọn đồ ra khỏi nhà. Còn người vợ đầu ấp tay gối với anh lâu nay lấy tiền của người tình cất thêm căn nhà khang trang bên cạnh căn nhà cũ để vui vầy duyên mới. Còn gì cay đắng hơn!
 
Mẹ cặp bồ, con cũng “lên đời” theo
Một người thợ VN làm tại đây cho biết, lương của những công nhân nước ngoài tại KCN Long Giang cả chục triệu đồng, còn bậc kỹ sư thì thu nhập vài chục triệu đồng một tháng. Do vậy, họ chi xài rất thoải mái so với những nông dân quanh năm chân lấm tay bùn trong xã. Với mẽ ngoài bảnh bao, tiền bạc rủng rỉnh họ nhanh chóng hạ gục những phụ nữ muốn “lên đời”.
Ông Ba K - ở ấp 4, có cô con gái mới 16 tuổi dáng vẻ phổng phao, đã lọt vào tầm ngắm mấy tay công nhân ngoại quốc. Thấy cô con gái ông K phải tắm ngoài cầu ao, đám công nhân chi ngay 20 triệu đồng làm nhà tắm cho “nàng”. Khi thấy cô gái mới lớn xiêu lòng, cả nhóm thay nhau ve vãn, hết anh này “chia tay” lại tới lượt anh khác “nhào dô”…
Còn bà M ở ấp 5, thấy mình “hết lửa” khó cặp bồ với mấy tay công nhân ngoại, nên xúi đứa cháu gái chưa tới 18 tuổi “dụ” tay công nhân ngoại quốc lớn hơn tuổi bà, về ăn ở trong nhà như vợ chồng. Chưa hết, cũng tại ấp 4, có trường hợp cả hai mẹ con cùng cặp bồ với đám công nhân ngoại. Họ bất chấp mọi thứ, “miễn có tiền là được”. Thậm chí, bà còn rước đứa cháu mới 16 tuổi ở Kiên Giang đem lên mai mối cho một anh chàng xấp xỉ 50 tuổi.
 
Nhất quyết xin ly hôn để công khai qua lại với bồ mới
Theo một viên chức hộ tịch xã Tân Lập 1, chỉ riêng ấp 4, nơi có KCN, đã có hơn chục trường hợp các bà vợ tự ý xin ly hôn với chồng. Tất cả đều hòa giải bất thành vì các bà nhất quyết bỏ chồng với lý do chồng không biết làm ăn, say xỉn, quan điểm bất đồng... Ông này nói: “Ly hôn bữa trước, bữa sau đã thấy các chị công khai qua lại với mấy ông chồng hờ ngoại quốc”.
Ông Lê Văn Rớt – viên chức tư pháp xã Tân Lập 1, cho biết: “Tình hình phụ nữ cặp bồ với mấy ông công nhân Trung Quốc hồi mới thành lập KCN Long Giang gây xôn xao dư luận dữ lắm, nhưng bây giờ lắng dịu rồi. Theo tôi biết, chỉ có 2 trường hợp làm đám cưới, còn lại là họ sống theo kiểu chồng hờ vợ tạm, hết hợp đồng lao động mấy ổng bỏ về nước, mấy chị trót bỏ chồng phải chịu thiệt thòi. Dư luận thì nhiều nhưng tôi biết chỉ khoảng chục trường hợp xin ly hôn thôi…”.
 
Đánh công nhân Việt
Không chỉ ve vãn đàn bà con gái, một số công nhân ngoại quốc còn đánh nhau với công nhân Việt. Anh Nguyễn Văn Thảnh kể lại: Mất hết đất sản xuất, tui với mấy ông bạn xin vào KCN làm phụ hồ. Cùng phận “cu-li” như nhau nhưng lương của mấy ông Trung Quốc cao gấp 3-4 lần chúng tôi, tới 350.000 đồng/ngày.
Có lần tôi đang trộn hồ thì một công nhân tên A Sịn tự dưng cầm cán cuốc gõ vào đầu tôi, miệng xí xô tiếng Tàu. Đau quá, tôi cầm cái vá trộn hồ quật luôn vào chân A Sịn. Anh ta quăng cuốc bỏ chạy. Tôi tưởng vậy là thôi, nào ngờ A Sịn vác ra cây búa và tụ tập mấy công nhân khác đòi ăn thua đủ với tôi. May mà sự việc sau đó được can ngăn kịp thời, nếu không sẽ có án mạng.
Mới đây, một nhân công người Việt tên Danh C, khi làm việc trong KCN gây ra lỗi. Thay vì giải quyết theo Luật Lao động, một nhóm công nhân TQ đã lôi Danh C vào phòng, đánh cho một trận thâm tím mặt mày.
 
Chuyện ngày nay tại Phú Yên
Thưa bạn đọc, đó là “thảm cảnh” làng quê đã từng xảy ra từ nhiều năm trước và bây giờ đang “diễn” lại. Trong tuần này một số báo chí tại VN đã thông tin về chuyện lao động TQ vẫn hoành hành tại những công trình do họ đấu thầu được ở các tỉnh.
Nhà máy Thủy điện La Hiêng 2 được xây dựng tại xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân - Phú Yên do Công ty CP VRG Phú Yên (Tập đoàn Cao su Việt Nam) làm chủ đầu tư với tổng vốn trên 500 tỉ đồng. Sau khi trúng thầu trọn gói từ thiết bị đến thi công, liên doanh nhà thầu Chiết Giang 1 (Trung Quốc) đã đưa hàng trăm lao động nước này sang làm việc. Nhà máy dự tính hoàn thành vào đầu năm 2012 nhưng hiện tại vẫn chưa xây dựng xong đường hầm!
 
Chạy xe ẩu, quan chức địa phương chỉ biết phàn nàn
Người dân sống dọc 2 bên đường từ thị trấn La Hai đến xã Phú Mỡ cho biết vào những lúc chiều mát, họ rất ngại ra đường vì sợ xe của người Trung Quốc tông phải. Anh Hiệp  ở xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân kể lại: “Đường quê, nhiều trẻ em chơi đùa nhưng họ chẳng quan tâm, phóng xe như chỗ không người”.
Theo anh Hiệp, trước đây cũng đã từng xảy ra trường hợp lao động Trung Quốc lái xe hơi tông chết bò của người dân địa phương rồi chạy mất. Ông La Lan Dũng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phú Mỡ, cho biết xã này đã phải khuyến cáo người dân sống gần đường cần đề phòng khi có xe của lao động Trung Quốc. Ông Dũng nói: “Họ chạy xe ẩu lắm, không cẩn thận là dễ gặp tai họa”.
Như thế là các quan chức địa phương cũng “chịu thua” mấy anh thợ TQ muốn làm gì thì làm? Luật lệ đâu chẳng thấy, chỉ thấy dở luật lệ với dân mình vốn hiền lành ngoan ngoãn.
 
Nhiều lao động “chui”
Phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở Lao Động -Thương Binh -Xã Hội tỉnh Phú Yên) cho biết lúc cao điểm, Nhà máy Thủy điện La Hiêng 2 có đến hơn 200 lao động Trung Quốc làm việc. Trong đó, sở này chỉ cấp giấy phép lao động cho hơn 150 người, còn lại là lao động “chui”. Ông Nguyễn Tài Soa, Trưởng Phòng Việc làm - An toàn lao động, giải thích: “Chúng tôi chỉ cấp phép cho những người có đủ bằng cấp và hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên”. Theo ông Nguyễn Xuân Ngân, cán bộ Phòng Việc làm - An toàn lao động, trên thực tế, các ngành chức năng rất khó xác định có bao nhiêu lao động Trung Quốc làm việc tại Nhà máy Thủy điện La Hiêng 2. Ông nói: “Chúng tôi chỉ kiểm tra dựa trên danh sách lao động mà nhà thầu đã đăng ký, còn ngoài danh sách thì rất khó”.
Như vậy là ông Ngân thừa nhận nhưng không cho biết tại sao cơ quan có chức năng kiểm soát người lao động lại gặp khó? Khó ở chỗ nào? Ai làm khó?
Theo quy định, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải là những chuyên gia, lao động kỹ thuật có tay nghề cao. Thế nhưng, tại công trình thủy điện La Hiêng, lao động Trung Quốc làm đủ các công việc, kể cả nấu ăn, thợ hồ… Ông Ngân lại nói. “Khi kiểm tra, chúng tôi đã phát hiện trường hợp này nhưng chủ thầu cho biết công nhân Trung Quốc làm được nhiều việc, từ tay nghề cao đến phổ thông nên rất khó xử lý”.
Té ra chủ thầu TQ nói sao quan chức đại diện cho nhà nước VN đều nghe hết? Lạ thật.
 
Đến người Lao động TQ ở huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng
Huyện Thủy Nguyên - Hải Phòng được xem là địa phương có đông người Trung Quốc sinh sống và làm việc nhất VN. Kể từ khi dự án Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng được thực hiện (năm 2005) đến nay, cùng với việc các công ty Quảng Tây, Hồ Bắc và Đông Phương của Trung Quốc trúng thầu thi công và lắp đặt thiết bị thì hàng ngàn lao động Trung Quốc kéo đến làm việc tạo nên các làng Trung Quốc, phố tàu dọc các xã Tam Hưng, Ngũ Lão.
Giống hệt như  những gì đã xảy ra ở huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang, người lao động Trung Quốc thường nhậu nhẹt say xỉn, gây gổ đánh nhau với dân địa phương; thậm chí còn tán tỉnh ve vãn sinh con với phụ nữ địa phương.
Ông Đỗ Quang Hảo, trạm trưởng Cảnh sát xã Tam Hưng cho biết: “Quá đông người nước ngoài làm việc, sinh sống gây cho chúng tôi nhiều khó khăn, bất đồng ngôn ngữ là một rào cản lớn. Nhiều đêm thấy họ về quá muộn, uống rượu say, mình nhắc nhở nhưng họ chẳng nghe. Ngoài số lao động chính thức, rất khó để quản lý số lao động “chui”. Có những vụ người Trung Quốc sau khi gây án, công an điều tra thì họ đã về nước…”.
Theo Sở Lao Động -Thương Binh -Xã Hội Hải Phòng, trước Tết Quý Tỵ có khoảng hơn 2.000 người nước ngoài làm việc tại Hải Phòng, trong đó quá nửa là người Trung Quốc. Số lao động này hầu hết tập trung tại các dự án lớn như Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng, KCN Đồ Sơn, KCN Thâm Việt (huyện An Dương). Ngoài ra, còn hàng chục doanh nghiệp da giày, hóa chất, xây dựng… có người lao động Trung Quốc làm việc. Thực tế, trong hàng ngàn lao động Trung Quốc đang làm việc tại Hải Phòng, đa số làm những công việc phổ thông như phụ hồ, thợ xây, thợ hàn… trong khi rất nhiều lao động phổ thông tại địa phương đang thất nghiệp.
Không nhũng thế họ còn quyến rũ phụ nữ VN, ăn ở sinh con cái dây dưa. Thật ra mấy anh lao động nghèo ở TQ kiếm vợ rất khó nên họ tìm đủ cách quyến rũ con gái Việt bất kể có chồng con hay chưa. Làng xóm Thủy Nguyên yên bình bỗng trở nên xáo trộn chẳng khác nào ở Long Giang huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang những năm trước.
 
Hồi chuông báo nguy
Có phải vì lạm phát, vì cơn bão giá làm đời sống khó khăn nên vùng quê hẻo lánh xa xôi cũng chịu ảnh hưởng lớn lao tới mức này? Đúng là xã hội đang xuống cấp kinh khủng. Đã có những hồi chuông báo nguy từ lâu, nhưng sao mọi chuyện vẫn cứ tiếp diễn? Các địa phương phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc này và các ngành, các bộ của chính phủ cần kiểm soát gắt gao, kỷ luật thật nghiêm những kẻ tiếp tay cho giặc.
Mời bạn đọc những ý kiến vô cùng phẫn nộ của người dân, không cần bình luận gì thêm. Bạn Q.Hung: “Tất cả vì mấy ông nhà đầu tư của VN “bụng thì phệ mà óc thì ngắn”, chỉ biết cái lợi trước mắt, ham rẻ mà không thấy lợi bất cập hại. Đến đứa trẻ cũng biết đối với TQ thì “tiền nào của nấy”, họ bỏ thầu giá phế liệu để trúng thầu rồi họ tự do đưa người dân họ sang xây dựng công trình chất lượng thì như đồ chơi (vậy mà ta cũng nghiệm thu mới chết chứ). Sau đó buộc ta vào thế đã rồi, phải thêm chi phí phát sinh để khắc phục, sữa chữa đôi khi tốn gấp nhiều lần giá bỏ thầu. 
Nhân dân ta thì thất nghiệp đầy ra mà để cho TQ nó cướp miếng ăn của dân, thật quá đáng! Chưa nói tới sự nguy hại về quốc phòng an ninh. Cái này ai chịu trách nhiệm? 
- Bạn Hoa Cỏ May: “Khắp hang cùng ngõ hẻm, từ thành thị đến thôn quê, đâu đâu cũng có người TQ, họ ngang nhiên, bạo ngược, mà không hề biết rằng mình đang ngụ cư trên đất của ai, xót xa hơn, là người dân mình đành phải nhún nhịn ngay trên mảnh đất nhà mình, khi người TQ nghênh ngang say sỉn, phá phách, và chính quyền địa phương thì cũng còn tệ hơn nữa. Ai sẽ đứng về phía người dân khi họ bị người TQ vào tận nhà ức hiếp. Căm phẫn!!!
 
Văn Quang 22-3-2013
 
Hình:
01-_Tau_hai_giam_262_cua_TQ.jpg

01- Tàu Hải giám 262 của Trung Quốc áp sát tàu cá QNg96382TS trên vùng biển Hoàng Sa hôm 13-3. Ảnh: Hinews.cn.


02-_Tau_tuan_tra_Dai_Duong.jpg

02- Tàu tuần tra đại dương TQ được trang bị bãi đáp trực thăng xâm phạm đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.


03_Tau_Ngu_Chinh_310_cua_TQ.jpg

03- Tàu Ngư chính 310 của TQ từng vi phạm chủ quyền của Việt Nam - Ảnh: Hoàn Cầu thời báo.


04-_Lao_Dong_TQ_lai_nha_may_nhiet_dien_Hai_Phong.jpg

04: Lao động TQ làm việc tại nhà máy nhiệt điện Hải Phòng.


05_Lao_dong_Tq_tai_nha_may_Alunin_Nhan_Co.jpg

05- Lao động TQ đang làm các công việc giản dị như trộn hồ, đẩy xe rùa tại công trình Nhà máy Alumin Nhân Cơ, trong khi dân VN đang thất nghiệp!

No comments: