Thursday, August 16, 2012

Trung Quốc đòi Nhật thả người vô điều kiện_ NgV




Hai tàu tuần duyên Nhật chặn tàu của các nhà hoạt động Trung Quốc - Ảnh: AP


Lực lượng tuần duyên Nhật vây bắt nhừng người TQ đổ bộ lên đảo Senkaku- Ảnh: AP

Ngày 16-8, Trung Quốc yêu cầu Nhật Bản thả ngay lập tức và vô điều kiện 14 nhà hoạt động nước này đã bị bắt giữ vì tìm cách lên hòn đảo tranh chấp Senkaku, mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, vào ngày 15-8.
Tân Hoa xã cho biết lực lượng tuần duyên Nhật Bản đã bắt giữ những người trên khi họ tìm cách lên đảo.
Trong một cuộc gặp với đại sứ Nhật Bản ở Bắc Kinh và qua một cuộc gọi điện thoại, Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh đã bày tỏ sự không hài lòng của Trung Quốc về sự vụ mới nhất giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á.
Bà Phó “yêu cầu Nhật Bản đảm bảo sự an toàn cho 14 công dân Trung Quốc và trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho họ”, theo thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trên trang chủ của bộ này.
Reuters dẫn lời truyền thông Nhật Bản xác nhận họ đã bắt tất cả 14 người, bao gồm người Trung Quốc, Hong Kong và Macau, ở khu vực quần đảo Senkaku, nằm giữa Đài Loan và Okinawa.
Tân Hoa xã cáo buộc Nhật Bản đã khiến căng thẳng “lên một mức cao mới”.
“Những căng thẳng này hoàn toàn là do các nỗ lực vô trách nhiệm và được rêu rao của các chính trị gia Nhật tuyên bố chủ quyền của quần đảo, vốn thuộc về Trung Quốc không thể tranh cãi”, Tân Hoa xã viết trên bài xã luận đăng ngày 15-8.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói Washington không đứng về phía nào trong tranh cãi Trung -Nhật, nhưng muốn mọi việc được giải quyết một cách hòa bình. “Chúng tôi hy vọng các bên tuyên bố chủ quyền giải quyết vấn đề qua các biện pháp hòa bình, và bất cứ hành vi khiêu khích nào cũng đều không có lợi”, Reuters dẫn lời bà Nuland.
Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật quy định Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ các vùng lãnh thổ do đồng minh Nhật Bản kiểm soát, bao gồm cả các quần đảo tranh chấp.
Cựu thứ trưởng ngoại giao Mỹ Richard Armitage bình luận với Reuters rằng hiện “không thể trả lời” câu hỏi giả thiết về phản ứng của Washington nếu quần đảo bị tấn công, khi không biết hết các điều kiện cụ thể xảy ra vụ việc.

Quần đảo này được Nhật gọi là Senkaku và hiện đang được sở hữu tư nhân. Chính phủ Nhật cũng đang có kế hoạch mua lại quần đảo từ cá nhân người Nhật này. Được biết cảnh sát Nhật đã chuyển nhóm người bị bắt cùng tàu cá tới Okinawa để thẩm vấn. Nhóm người này gồm 14 người, một số được cho là nhà báo và thủy thủy đoàn, xuất phát từ Hồng Kông vào hôm chủ nhật và tới đảo tranh chấp vào ngày hôm qua.
Báo chí Nhật và Trung Quốc cho hay giới chức Nhật cũng đang xem xét đến khả năng trục xuất họ về nước.
“Họ có thể được chuyển tới Cục nhập cư Nhật sau đó và sẽ được trục xuất trở lại Hồng Kông”, người phát ngôn Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật cho biết trong bài báo được Tân Hoa xã, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc, đăng tải vào tối qua. Cũng theo bài báo này, không có nhà hoạt động nào bị thương.
Tàu lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật bao vây tàu của nhóm người này khi nó tiến tới quần đảo. Nhưng 7 nhà hoạt động đã nhảy khỏi tàu và bơi tới một đảo trong quần đảo tranh chấp. Sau đó có 2 người trở lại tàu, trong khi 5 người khác bị bắt trên đảo.
Tiếp đến 2 nhà hoạt động vừa quay trở lại cùng 7 người nữa vẫn ở trên tàu đã bị bắt với tội danh “ nhập quốc trái phép”.
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2004 những người ngoài nước Nhật lên quần đảo tranh chấp này.

Trả lời báo chí liên quan đến sự kiện tàu kháng nghị của nhóm “Ủy ban hành động đảo Điếu Ngư” của Hồng Kông ngày 15/8 đã đổ bộ lên đảo tranh chấp, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda khẳng định “sẽ xử lý nghiêm khắc vụ việc này theo quy định của pháp luật Nhật Bản hiện hành”.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Osamu Fujimura cho biết Nhật đã đệ công hàm phản đối ngoại giao chính thức về vụ việc tới Trung Quốc và Hồng Kông.
Căng thẳng Trung – Nhật về quần đảo trên biển Hoa Đông lại rộ lên trong những tháng gần đây. Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo hiện do Nhật quản lý và là một phần của tỉnh Okinawa này.
Quần đảo phần lớn không có người ở, nhưng chúng nằm gần những tuyến đường biển quan trọng chiến lược, giàu hải sản và được cho là chứa một lượng lớn trữ lượng dầu.
TTO/DT dẫn nguồn Reuters, BBC, AFP

Nam Yết chuyển

No comments: