Sunday, January 8, 2012

Triển lãm mô hình tàu chiến Hải Quân VNCH ngày Hoàng Sa



Nguyên Huy/Người Việt

WESTMINSTER (NV) - Một cuộc triển lãm về những chiến hạm, chiến đĩnh, giang thuyền và những khí tài của Hải Quân VNCH trước năm 1975, nhân ngày Hoàng Sa 15 Tháng Giêng tại Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt Mỹ, sẽ được tổ chức từ 12 giờ trưa đến 3 giờ chiều cho cộng đồng người Việt, nhất là cho các bạn trẻ, vào thăm thú quan sát và tìm hiểu về lực lượng hải quân VNCH, một lực lượng mà qua cuộc hải chiến bất cân xứng với hải quân Trung Quốc đã làm rõ được lý tưởng và chính nghĩa của người lính VNCH.

Một phụ huynh giải thích cho em bé hiểu về chiếc chiến hạm của Hải Quân VNCH trong cuộc triển lãm nhân ngày Hoàng Sa được tổ chức tại Westminster Community Room năm 2009. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
Trong ba năm qua, từ ngày Hội Hải Quân Cửu Long tổ chức ngày Hoàng Sa không còn trong nội bộ hải quân như trước, người chiến sĩ hải quân Nguyễn Ngọc Bạch lại hì hục một mình sắp xếp những “tác phẩm” của mình, những con tàu đã cùng người lính Hải Quân VNCH gìn giữ từng vùng biển, từng con sông, từng ngòi rạch của VNCH trong suốt thời trai trẻ của mình cũng như đồng ngũ.
Nói về những “tác phẩm” này, ông Bạch không ngăn được xúc động kể: “Mười lăm năm nay, từ khi đặt chân lên được đất Mỹ, tôi đã lao vào công việc tạo dựng lại hình ảnh những con tàu mà tôi thương nhớ. Ngày 30 Tháng Tư, 1975, có thể xóa đi hình ảnh của Hải Quân VNCH trong ký ức một số người, nhưng với tôi thì không. Tất cả đường nét, hình tượng của những con tàu của Hải Quân VNCH mà tôi từng làm việc trên đó còn nguyên vẹn hình hài trong trí tưởng của tôi.”
“Tôi đã mầy mò khắp nơi để kiếm những hình ảnh cũ, sau đó làm những bản vẽ chi tiết và tìm vật liệu để đóng những con tàu này theo đúng kích thước và tỷ lệ. Vật liệu tạo dựng lúc đầu phải tìm kiếm rất khó khăn nên công việc phải từ từ từng phần trên mỗi chiến hạm, chiến đĩnh, tốc đĩnh, giang thuyền, để làm sống lại hình ảnh Hải Quân VNCH,” ông Bạch say sưa kể về công việc của ông.
Ông kể tiếp: “Ngày qua ngày, công việc thật chậm chạp thì may đâu tôi tìm đến được một cửa hàng bán đồ lắp ráp phi cơ, tàu thủy cho những người yêu thích thú chơi này. Thế là bao nhiêu tiền dành dụm được tôi đổ vào công việc tỉ mỉ này. Nhưng bù lại tôi lại được cái thú sống lại những ngày trên sông nước mà nhẩm ca lại bài 'Lênh đênh trùng dương gió lộng, anh ngồi nhìn sao rơi mà nhắc nhớ tên em.'”
Người em ấy bây giờ là chị Bạch, ở trong gian bếp. Một lời chào làm quen để xin chị cho biết “có phiền muộn gì không khi thấy chồng mình say mê cái thú tốn tiền và chật nhà chật cửa vì những tác phẩm đã hoàn tất của anh”.
Chị mỉm cười rạng rỡ và nói: “Hình ảnh những con tàu này cũng là hình ảnh cuộc tình của chúng tôi. Anh ấy mê say hải quân từ những ngày còn ở trung học. Khi anh vào hải quân rồi thì bến tàu và những con tàu đã ghi đậm cuộc tình của chúng tôi, của cả một thế hệ chúng tôi mỗi khi tàu rời bến. Ngắm lại những hình ảnh này là chúng tôi lại cùng nhau nhớ lại ngày xưa.”
Cả một gian nhà từ phòng khách đến garage la liệt những hộp các tông đủ cỡ trong đó là những con tàu anh Bạch đã hoàn tất. Nào là hải vận hạm, khinh tốc đĩnh, hải dương hạm, quân vận hạm, và kìa chiến hạm HQ 10 nhắc nhớ đến người con yêu của tổ quốc Ngụy Văn Thà đã làm nổi danh những người lính Hải Quân VNCH trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974.

Người lính hải quân Nguyễn Ngọc Bạch sửa soạn cho cuộc triển lãm hải quân ngày Hoàng Sa năm nay. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
Nhìn con tàu HQ 10, người lính hải quân Nguyễn Ngọc Bạch kể: “Ðây là con tàu tôi làm theo yêu cầu của anh Ðinh Hoàng Cảnh, hội trưởng Hội Hải Quân Cửu Long, khi hội tổ chức ngày Hoàng Sa đầu tiên trước công chúng. Thời gian chỉ có 10 ngày tôi đã định không nhận vì thời gian không đủ cho tôi. Nhưng nghĩ lại thấy nó thật cần thiết cho ngày này, nên tôi đã cố gắng thức đêm để làm cho kịp. Bắt tay vào công việc thì không hiểu sao công việc dán ép những mảnh gỗ làm tàu nó cứ bật ra hoài, tôi mới khấn vong linh hạm trưởng Ngụy Văn Thà giúp cho hoàn thành được HQ 10 thì kỳ lạ thay, tôi dán lại những mảnh gỗ thành tàu, dán đến đâu dính chặt đến đó. Nói ra không phải là chuyện mê tín dị đoan nhưng sự thực là như vậy.”
Trầm ngâm một lúc, anh cho biết tiếp: “Hải Quân VNCH có tới 50 loại tàu lớn nhỏ, đến nay tôi mới thực hiện được 30 loại. Tâm nguyện của tôi là phải hoàn tất cho đủ được 50 loại chiến đĩnh của hải quân VNCH rồi sẽ tìm xem có tổ chức bảo tàng viện QLVNCH nào có điều kiện trưng bầy, tôi sẽ hiến dâng để các thế hệ sau được biết đến một quân chủng của QLVNCH, một quân chủng đã thu hút tuổi trẻ của thế hệ chúng tôi.”

Hộ tống hạm HQ10 Nhựt Tảo được làm theo tỷ lệ với những chiến đĩnh khác để đáp ứng nhu cầu triển lãm trong ngày Hoàng Sa.( Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
Rồi với một thái độ tha thiết, anh nói: “Buổi triển lãm nào tôi cũng đứng suốt buổi để sẵn sàng trả lời giải thích cặn kẽ chi tiết từng con tàu đem ra triển lãm cho bà con và các bạn trẻ. Nhưng người xem thì đông mà người hỏi lại không nhiều. Tôi rất mong được giải thích, trả lời.”
“Tôi cảm thấy khi trả lời những thắc mắc của khách đến coi triển lãm, tôi như được bầy tỏ một tâm sự u uẩn của người lính chúng tôi,” người cựu chiến binh chia sẻ.

Liên lạc tác giả: NguyenHuy@nguoi-viet.com

Trích HNPĐ
 

No comments: