Thursday, January 5, 2012

Mỹ không ngán cảnh cáo của Iran




HKMH USS John C. Stennis trên vịnh Oman

Hoạt động trên tàu sân bay USS John C. Stennis của Mỹ vẫn diễn ra bình thường, bất chấp lời đe dọa cứng rắn từ Iran.


Hàng không mẫu hạm thuộc loại lớn nhất của Mỹ hiện ở hải phận quốc tế tại phía bắc biển Arab, sau khi Iran cảnh báo tàu sân bay này không được vào lại vịnh Ba Tư (Persian) một lần nữa, The New York Times cho hay. Một phóng viên có mặt trên tàu kể lại những gì nhìn thấy trong suốt một ngày sau khi lời cảnh báo của Iran được đưa ra.

Hôm 3/1/2012, CNN dẫn lời Ataollah Salehi, tư lệnh quân đội Iran phát biểu sau khi kết thúc cuộc tập trận trên biển, cho biết "tàu của Mỹ đã đến vịnh Oman vì cuộc tập trận của Iran, chúng tôi yêu cầu và nhấn mạnh tàu Mỹ không nên quay lại vịnh Ba Tư nữa, chúng tôi không có thói quen nhắc lại lời cảnh báo hơn một lần" và "Iran không chấp nhận bất cứ một hành trình phi lý nào và sẵn sàng đáp trả đến cùng tất cả các mối đe dọa".
Iran đang nói đến sự hiện diện tàu sân bay USS John C. Stennis của hải quân Mỹ tại eo biển Hormuz. Con tàu di chuyển từ vịnh Ba Tư đến biển bắc Arab trong chương trình mà Hạm đội 5, hải quân Mỹ cho biết là kế hoạch quá cảnh.
Iran nói sự xuất hiện của tàu Mỹ trong quá trình tập trận của Iran chứng tỏ Mỹ đã "thấu hiểu" được mục đích của Iran không chỉ là cảnh cáo mà là sẽ bảo vệ "lợi ích và sức mạnh" của mình tới cùng, IRNA cho hay.
Sau khi lời cảnh báo của Iran được đưa ra, người phát ngôn Ngũ Giác Đài, Geogre Little, khẳng định "sự hiện diện của lực lượng quân sự Mỹ tại vịnh Ba Tư sẽ vẫn tiếp tục trong vài thập kỷ tới". "Tàu Mỹ đi qua eo biển Hormuz hoàn toàn phù hợp luật biển và các công ước quốc tế cho phép chúng tôi có quyền qua lại khu vực này. Lực lượng tàu của chúng tôi góp phần đảm bảo tự do hàng hải, cơ sở của sự thịnh vượng chung toàn cầu, đây cũng chính là lý do của sự hiện diện quân đội Mỹ trong khu vực", Little cho biết.


Hạm Đội 5 HQ Hoa Kỳ

Mỹ duy trì sự hiện diện của mình tại vịnh Ba Tư từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Tàu thuyền của Mỹ qua lại vịnh Ba Tư thường xuyên để đến nơi đóng quân của Hạm đội 5 tại Bahrain. Phạm vi hoạt động của Hạm đội 5 trải rộng trên 2,5 triệu km2, bao gồm vịnh Ba Tư, biển Đỏ, vịnh Oman và một phần Ấn Độ Dương.

Hoạt động chủ yếu của tàu lúc này là đóng vai trò bãi cất và hạ cánh cho các máy bay chiến đấu hỗ trợ bộ binh ở Afghanistan. Mọi biểu hiện bên ngoài của tàu John C. Stennis đều cho thấy thủy thủ đoàn trên chiếc chiến hạm này vẫn làm các nhiệm vụ như dự kiến, bất chấp những lời cảnh cáo của Iran.
"Mọi việc ở đây diễn ra bình thường", thiếu tướng Craig S. Faller, chỉ huy đội máy bay chiến đấu trên tàu John C. Stennis, vừa nói vừa theo dõi hình ảnh radar trên một màn hình lớn hiển thị vùng biển và trời với giao thông thương mại tấp nập. Màn hình này đồng thời cho thấy những chiến đấu cơ bay ngang dọc trên một hàng lang bay chật hẹp tới Afghanistan, tuyến bay được mệnh danh là "Đại lộ".
Các phi công trở về tàu John C. Stennis chuyện phiếm với nhau về những chuyến bay ở tầm thấp để ngăn chặn các phiến quân Taliban gần một trạm kiểm soát của Italy ở tỉnh miền tây Farah của Afghanistan, hay giúp đỡ binh sĩ Anh dưới làn đạn ở tỉnh bất ổn Helmand ở tây nam Afghanistan. Họ hầu như không nhắc tới chủ đề Iran trong các cuộc họp hay gặp gỡ.
Vào cuối ngày, sau khi một nhóm các chiến đấu cơ cuối cùng trở về và từng chiếc một đáp xuống boong tàu, hàng không mẫu hạm John C. Stennis kéo còi hiệu vào lúc 22h. Thuy thủ đoàn trên tàu vẫn duy trì một kế hoạch canh gác bình thường. Chiếc tàu chiến khổng lồ của Mỹ có một đêm nhàn hạ đối với một chiến hạm trên biển, bất chấp những tuyên bố đanh thép mà Iran đưa ra ngày hôm trước.
Những gì diễn ra trên tàu John C. Stennis hôm qua, 4/1, cùng với những biểu hiện của hải quân Iran cho thấy lời đe dọa trước đó của quốc gia Hồi giáo không phải là sự chuẩn bị cho một hành động đối đầu tức thì.
Những hình ảnh radar trên tàu John C. Stennis đã mở rộng tới bờ biển Iran. Những chiếc tàu chiến của Iran, vốn vừa tham gia một cuộc tập trận hải quân quy mô lớn, được đánh dấu đỏ trên màn hình. Tuy nhiên, hàng không mẫu hạm của Mỹ và các chiến hạm của Iran vẫn còn ở cách nhau rất xa. Chúng không có dấu hiệu thách thức lẫn nhau nào và chỉ thực hiện những nhiệm vụ thông thường.


Thiếu tướng Faller cho rằng phiền phức duy nhất mà ông và thủy thủ đoàn trên tàu gặp phải lại đến từ những thư điện tử đầy lo âu mà bạn bè cùng gia đình của họ gửi tới. Đó là những người cảm thấy lo lắng sau khi được nghe lời đe dọa từ phía Iran.
Ông Faller và thủy thủ đoàn trên tàu John C. Stennis không bình luận gì về lời đe dọa của Iran. Họ chỉ nhắc lại điều từng được Washington khẳng định, rằng các con tàu của Mỹ di chuyển hợp pháp trên những vùng biển quốc tế, và Mỹ sẽ không bỏ qua cho bất cứ nỗ lực nào của Iran hay một nước nào khác trong việc đóng cửa eo biển Hormuz.
"Chúng tôi vẫn tiếp cận với tin tức hàng ngày. Chúng tôi xem được CNN, xem được Fox. Chúng tôi có truy cập Internet và bạt ngàn thông tin để tham khảo", ông Faller nói. "Chúng tôi đã biết những tuyên bố của Iran, nhưng đồng thời cũng theo dõi những diễn biến trên biển. Cho tới lúc này, không có điều gì bất thường cả".



Iran trở thành điểm nóng thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế trong những ngày qua, sau những căng thẳng giữa nước này với Mỹ, Israel và phương Tây. Iran mới đây tiến hành cuộc tập trận hải quân kéo dài 10 ngày mang tên Velayat 90 và đe dọa đóng eo biển Hormuz nếu các nước phương Tây không gỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này.
Khi cuộc khẩu chiến giữa Mỹ và Iran diễn ra, giá dầu trên thị trường quốc tế tăng cao do lo ngại gián đoạn về nguồn cung cấp. Chiều 3/1, giá dầu thô tại London đã lên mức 111 USD/thùng, tăng thêm 4 USD/thùng so với phiên buổi sáng. Eo biển Hormuz là nơi có tuyến đường biển quan trọng chuyên chở một lượng dầu mỏ lớn của thế giới. Mỗi ngày, trung bình có 14 tàu chở dầu qua lại nơi này.

Nam Yết chuyển

No comments: