Saturday, November 12, 2011

Vì sao Obama dành thời gian cho châu Á?



Mỹ và Nam Hàn hoàn tất thỏa thuận mậu dịch tự do hồi tháng 10

Tổng thống Barack Obama tạm gác lại tiến trình hòa bình Trung Đông đang thụt lùi, quan hệ khó chịu với Pakistan, sự bực bội từ cuộc chiến Afghanistan và khủng hoảng khối euro để tìm kiếm một số tường thuật tích cực cùng cơ hội ở châu Á và Thái Bình Dương.
Bắt đầu từ tiểu bang quê nhà Hawaii hôm thứ Bảy, ông sẽ khoản đãi 21 lãnh đạo diễm đàn Apec, với mục đích củng cố sự dịch chuyển chậm mà chắc về châu Á và Thái Bình Dương. Sau Hawaii, ông Obama sẽ bay đến Úc, nơi hợp tác quân sự sẽ được đặt lên nghị trình.

Tại Bali, ông sẽ là tổng thống Mỹ đầu tiên dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á - cuộc gặp tập hợp các nước Đông và Nam Á cùng với Mỹ, Úc, New Zealand và Nga.
Mặc dù chính quyền trước đây của Tổng thống George W Bush đã tăng cường quan hệ với châu Á, họ không hứng thú mấy với các cuộc gặp bày vẽ kiểu cách như vậy. Nhưng một khi sự quan tâm của Mỹ đối với khu vực gia tăng mạnh mẽ trong hai thập niên, chính quyền Obama từ đầu đã nói Hoa Kỳ không chỉ mạnh ở Đại Tây Dương mà còn cả ở Thái Bình Dương.
Ngoại trưởng Hillary Clinton đã có tuyên bố thắng thừng khi bà chọn vùng này làm chuyến công du đầu tiên của mình tháng Hai 2009. Ông Dean Rusk năm 1961 là lần cuối cùng một ngoại trưởng Mỹ chọn châu Á làm chuyến hành trình mở màn.
Kể từ đó, Washington đã nỗ lực gắn Mỹ vào bên trong kiến trúc khu vực khi ký các hiệp định, dự hội nghị, mở màn hoặc tham gia những sáng kiến khu vực nhỏ hơn.
Washington hy vọng thu hoạch sẽ không chỉ mang tính ngoại giao mà cả quân sự, kinh tế và chiến lược. Giữa tiếng ầm ĩ về sự suy thoái của Mỹ, chính phủ Obama xem đây là cách trở thành đối tác chủ chốt ở ngay trung tâm hành động những thập niên sắp tới.
Trong bài tiểu luận gần đây trên tạp chí Foreign Policy với tựa Thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ, bà Hillary Clinton nói châu Á - Thái Bình Dương đã trở thành đầu tàu của chính trị toàn cầu và đại diện cơ hội thế kỷ 21 cho nước Mỹ.
Bà Clinton viết rằng trong 10 năm nữa, Mỹ phải thông minh quanh câu hỏi đầu tư thời gian và năng lượng ở đâu để có thể duy trì sự lãnh đạo, bảo đảm quyền lợi và thúc đẩy các giá trị của mình. Cho dù Mỹ sẽ không quay lưng lại với các đồng minh liên Đại Tây Dương, điều này đòi hỏi chọn điểm then chốt là châu Á.
Mặc dù ít được báo chí nhắc đến, nhưng người ta dường như thống nhất rằng chính sách châu Á của Obama là thông minh và đã thành công. Nhưng nó đòi hỏi một sự chỉnh sửa phong cách, theo lời Andrew Small, chuyên gia châu Á tại Quỹ Marshall Đức ở Washington, vì Mỹ có vẻ quá mềm mỏng với Trung Quốc ngay từ đầu.
Ông nói: "Nó tạo ấn tượng với Trung Quốc rằng Mỹ đang suy thoái nhanh và nó khuyến khích thái độ lấn tới của Trung Quốc."
Nhưng hai năm qua, chính quyền Obama đã xốc tới, vẽ ra lằn ranh giới hạn "chỉnh sửa quan niệm sai lạc về sự dịch chuyển quyền lực mà khủng hoảng tài chính đã gây ra" ở Bắc Kinh.
Mỹ cũng sử dụng thái độ lấn tới của Trung Quốc trong vùng để củng cố liên minh với các nước như Nhật, Nam Hàn. Mỹ cũng đang xây dựng quan hệ đối tác mới với các nước như Việt Nam, một trong các nước lo ngại về lập trường của Trung Quốc trên Biển Đông.
Không viên chức Mỹ nào lại mô tả nỗ lực này là ngăn cản đà tiến của Trung Quốc, nhưng rõ ràng có cố gắng xây dựng liên minh trong vùng theo dạng mà Trung Quốc chưa có. Dĩ nhiên như thế việc này sẽ cân bằng lại quyền lực của Bắc Kinh.
Douglas Paal, từ tổ chức Carnegie Endowment, nói ông Obama sẽ loan báo một thỏa thuận với Úc để tiếp cận các vùng trống ở Úc cho các đợt tập trận.
Ông nói: "Không thể nói là không liên quan đến một Trung Quốc đang lên, nhưng thực sự thì nó liên quan nhiều hơn cho sự quản lý và tổ chức tốt hơn cho cấu trúc liên minh trong vùng."
'Chia sẻ gánh nặng'
Hoa Kỳ muốn tăng cường quan hệ quân sự với các láng giềng của Trung Quốc

Nhưng Justin Logan, thuộc viện Cato ở Washington, lại cảnh báo Mỹ có thể đang lặp lại mô thức phụ thuộc vốn phát triển cùng châu Âu hậu Thế chiến Hai, mà nay Washington không còn đủ sức làm vậy nữa.
Như nhiều nước châu Âu, các nước Á châu không đầu tư nhiều cho quốc phòng - ví dụ Nhật chỉ bỏ ra 1% GDP cho quốc phòng và Nam Hàn 3%.
"Thay vì cố trấn an đối tác châu Á, Mỹ cần gieo rắc nghi ngờ quanh cam kết bảo vệ an ninh cho họ," ông Logan nói.
"Như thế, các nước mới bắt buộc phải nhận thêm gánh nặng của việc ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc. Bằng không, các bộ trưởng quốc phòng Mỹ có thể sớm than về các đối tác châu Á, giống như châu Âu trước đây."
Nhưng có một lĩnh vực mà Mỹ sẽ không thể làm gì nhiều để "chỉnh sửa" quan điểm ở châu Á, đó là kinh tế. Washington không đủ sức, hay không đủ nhanh, để có thể cạnh tranh với Trung Quốc như một đối tác kinh tế.
Mặc dù ông Obama sẽ nêu bật tầm quan trọng của các thỏa thuận thương mại với các nước như Nam Hàn, Mỹ không thể tự bước ra khủng hoảng kinh tế của chính mình.
Vì thế, nếu ông Obama không quay về nước với thêm việc làm cho người Mỹ, thì ông sẽ mang về cái gì sau 10 ngày hưởng nắng châu Á - Thái Bình Dương? Có lẽ không có gì thực sự cụ thể - sẽ không có văn bản hay thỏa thuận mà ông có thể gọi là thành công ngoại giao.
Nhưng ông Small từ GMF cho rằng chuyến thăm của tổng thống Mỹ đến khu vực tự nó đã là thành công.
Nếu Mỹ muốn một thế kỷ Thái Bình Dương mở ra thành thế kỷ Mỹ, nước này sẽ cần sẵn sàng đầu tư cho kiến trúc đa phương trong vùng và chứng tỏ họ hiểu rằng hình ảnh là điều quan trọng cho châu Á.
"Lợi ích mà các nước có được và cơ hội [mà chuyến thăm của Obama] đem lại cho công tác hậu trường lâu dài sẽ vô cùng to lớn," theo lời ông Small.

No comments: